Nghịch lý bóng đá TPHCM

Futsal Thái Sơn Nam vào đến bán kết giải các CLB châu Á 2015, đội bóng đá nữ vừa trở lại chức vô địch quốc gia sau 5 năm, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF có được các chức vô địch những lứa tuổi trẻ, thế nhưng bóng đá đỉnh cao của TPHCM hiện chỉ còn 1 câu lạc bộ (CLB) ở giải hạng nhất, 1 đội khác ở giải hạng nhì.

Nghịch lý bóng đá TPHCM ảnh 1

Việc chỉ còn CLB TPHCM (áo trắng) ở sân chơi hạng nhất khiến người hâm mộ bóng đá không khỏi chạnh lòng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khả năng lên chơi V-League của CLB TPHCM hiện không quá lớn khi đội Hà Nội cho thấy có nhiều tham vọng hơn để chiếm suất duy nhất. Hơn nữa, theo định hướng của LĐBĐ TPHCM, phải đến mùa sau mới đặt mục tiêu thăng hạng. Trên thực tế, kể cả khi TPHCM có giành vé lên V-League ngay mùa này hoặc mùa sau thì bài toán nan giải vẫn còn nguyên: Lên để làm gì?

Chuyện các thủ đô không có CLB chơi ở giải cao nhất vốn đã ít thấy, nhưng việc một thành phố có dân số và quy mô kinh tế - xã hội hàng đầu quốc gia mà không có CLB chuyên nghiệp nào là chuyện vô cùng hiếm. Đấy là nghịch lý của bóng đá TPHCM kể từ năm 2013 đến nay, trở thành vùng trắng của bóng đá đỉnh cao, đáng nói hơn là nghịch lý đó vẫn có thể kéo dài, kể cả khi đại diện của thành phố giành được suất thăng hạng.

Ở đây không phải chuyện bao giờ mới có đội lên sân chơi V-League, mà ở khâu nền tảng. Hàng ngàn sân cỏ nhân tạo, hệ thống bóng đá phong trào trải rộng trên tất cả các quận, huyện, nhưng chỉ có 2 đại diện tại những giải đấu cấp thấp là điều khó tin. Muốn có một CLB chuyên nghiệp thì ngoài khả năng đào tạo cầu thủ, tiêu chí quan trọng nhất chính là sự phát triển của hệ thống các CLB “chân rết”, nơi mà những cầu thủ trẻ có không gian trải nghiệm bóng đá chuyên nghiệp và tạo nên tính kế thừa cho bóng đá đỉnh cao, đồng thời là cơ sở để thu hút nguồn tài trợ, dẫn dắt niềm đam mê cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

TPHCM đã từng gặp phải một giai đoạn bi kịch khi đội Cảng Sài Gòn không còn thì cũng chẳng có đội nào thay thế, buộc phải mua lại đội Quân khu 4 để tạo ra Navibank Sài Gòn và cho phép Xuân Thành Hà Tĩnh “chuyển hộ khẩu” vào thi đấu. Kiểu duy trì “vay mượn” ấy có kết cục ra sao đã rõ!

Ngay cả thành công của futsal hay bóng đá nữ hiện nay cũng không hẳn là tín hiệu lạc quan, bởi mức độ tác động của 2 lĩnh vực này không nhiều so với bóng đá sân cỏ chuyên nghiệp, hơn nữa thành công ấy đến từ nỗ lực cá nhân của ông Trần Anh Tú - Chủ tịch LĐBĐ TPHCM hơn là kết quả của cả nền bóng đá địa phương. Rồi thành công của PVF lại gắn liền với một quỹ đầu tư phi lợi nhuận, có tính chất toàn quốc chứ không liên quan nhiều đến bóng đá TPHCM. Nói cách khác, mối liên kết từ nền tảng phong trào tốt đến bóng đá chuyên nghiệp tại TPHCM vẫn còn khá mơ hồ, đặc biệt ở lĩnh vực đầu tư của các nguồn lực xã hội cho bóng đá.

Khang Việt 

Tin cùng chuyên mục