Nghề chơi cũng lắm công phu

Nhiều độc giả chắc chắn đã thông hiểu từ lâu về tầm hữu ích của thể dục thể thao trong sinh hoạt thường ngày thông qua tác dụng vừa trung hòa stress, vừa đánh thức sức đề kháng. Vấn đề chỉ là chơi sao cho “đáng đồng tiền bát gạo”?

Tuy đổ mồ hôi rõ ràng là biện pháp giải độc cho cơ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi hình thức vận động trên sân tập là mồi lửa tự động cho sức khỏe, như quẹt máy còn ga, hễ bật là cháy. Không ít trường hợp vận động viên thậm chí tự rước hại vào thân nếu vô tình không lưu ý đến một số hậu quả do phản tác dụng của thể dục thể thao. Theo bác sĩ Muller-Wohlfahrt, nhà điều trị nổi tiếng nhất nước Đức trong lĩnh vực y học thể thao, muốn chơi mà khỏe cần lưu ý 10 nguyên tắc dưới đây:

1- Cho dù cảm thấy khỏe mạnh cũng nên đến phòng khám trước khi quyết định chọn môn thể thao nào đó để rà lại bộ máy tim mạch. Đừng quên, không ít vận động viên bị nhồi máu cơ tim ngay trên sân tập chỉ vì đinh ninh trái tim hãy còn rất khỏe.

Chơi lâu cỡ nào tùy người nhưng huyết áp và mạch phải trở lại bình thường sau 30 phút rời sân.

2- Đừng tưởng làm nóng trước khi vào sân chỉ để… trình diễn. Đó là biện pháp vừa hâm nóng bộ máy tuần hoàn, vừa chuẩn bị hệ cơ khớp sau một ngày co thắt trong tư thế làm việc, nhất là khi bất động nhiều giờ trên chiếc ghế văn phòng.

3- Đã làm nóng cũng cần có lúc để nguội. Đừng bao giờ rời khỏi sân tập ngay tức khắc. Mạch và huyết áp sau khi tăng cao vì vận động cần trở lại trị số bình thường sau vài vòng bách bộ quanh sân tập.

4- Người bị chấn thương phải nghỉ ngơi và điều trị đến nơi đến chốn. Đừng trở lại sân tập quá sớm. Không kể đến khả năng tái phát, vận động nếu còn giới hạn vì vết thương chưa lành là lý do khiến vận động viên lại dễ bị chấn thương.

5- Cơ thể của “dân chơi” cần được bồi dưỡng với sinh tố, khoáng tố, chất đường, chất đạm, chất xơ… Chơi thể thao mỗi ngày mà ăn kiêng khắt khe thì tuy có thể giảm ít cân nhưng về lâu về dài chắc chắn khó tránh hậu quả của rối loạn biến dưỡng.

6- Khó có môn thể thao nào không làm đổ mồ hôi. Cơ thể vì thế phải được bổ sung nước và chất điện giải kịp thời. Nhiều người tuy đúng là có uống nước đủ lượng, nhưng sau giờ tập. Quan trọng là làm sao để tế bào không lúc nào thiếu nước. Uống ít thôi, nhưng ngay trong lúc tranh đua, chính là mẹo vặt để tránh phản ứng phụ của thể thao.

7- Đừng chọn quần áo thể thao theo thương hiệu, miễn sao thoải mái tối đa.

8- Chơi thể thao hoàn toàn vô ích nếu không vui! Đừng vụng về đến độ biến thể thao thành một loại stress mới sau giờ làm việc.

9- Khám tim định kỳ dù cảm thấy đang khỏe re.

10- Chơi lâu cỡ nào tùy người nhưng huyết áp và mạch phải trở lại bình thường sau 30 phút rời sân.

Thể thao cũng có thể là dao 2 lưỡi. Lắm khi không thiếu phản ứng phụ khó lường ngay cả cho khán giả, chẳng hạn tăng huyết áp sau khi xem đội tuyển xứ mình thua Malaysia trong trận bán kết lượt về AFF Cup trên sân nhà Mỹ Đình vừa qua. Đổ mồ hôi trên thao trường không hẳn lúc nào cũng đồng nghĩa với biện pháp bảo vệ sức khỏe. Nghề chơi cũng lắm công phu là vậy.

Góc tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Tin cùng chuyên mục