Nếu Lê Huỳnh Đức, Đặng Trần Chỉnh trở về...

Trước hết, đấy là điều hoàn toàn khả thi. Chưa bao giờ, chúng tôi nghe 2 HLV nổi tiếng ấy từ chối một sự trở về như thế cả. Trong sâu thẳm trái tim, Sài Gòn vẫn là nơi họ muốn được làm việc và cống hiến nhất mặc dù ở Đà Nẵng và Bình Dương họ không phải thất vọng điều gì.
Nếu Lê Huỳnh Đức, Đặng Trần Chỉnh trở về...

Trước hết, đấy là điều hoàn toàn khả thi. Chưa bao giờ, chúng tôi nghe 2 HLV nổi tiếng ấy từ chối một sự trở về như thế cả. Trong sâu thẳm trái tim, Sài Gòn vẫn là nơi họ muốn được làm việc và cống hiến nhất mặc dù ở Đà Nẵng và Bình Dương họ không phải thất vọng điều gì.

Huỳnh Đức và Trần Chỉnh đều là những cầu thủ lớn mà bóng đá Sài Gòn cống hiến cho làng cầu quốc nội. Họ đều ra đi trong thế chẳng đặng đừng và hẳn nhiên, họ luôn sẵn sàng quay về khi có cơ hội. Với những gì mà 2 HLV này làm được trong khoảng 3 năm trở lại đây, sự trở về của họ là cả một động lực.

Một cuộc trở về?

Họ về được không? Dường như đã đến lúc như vậy rồi. Lê Huỳnh Đức đang có một số trục trặc nhất định với đội SHB Đà Nẵng khi từ đầu lượt về V-League đến nay, đội của anh chỉ thắng 1/10 trận đã đấu. Người ta nói, “mối tình” giữa anh và SHB Đà Nẵng đã phai nhạt. Hơn nữa, sau khi đưa SHB Đà Nẵng vô địch mùa trước, có thể nói nếu ra đi, lòng Lê Huỳnh Đức cũng thanh thản sau những ơn nghĩa mà thành phố lớn ở miền Trung đã dành cho anh từ năm 2003.

Còn Đặng Trần Chỉnh, ở Bình Dương hiện tại, cũng chưa có công việc cụ thể về chuyên môn khi đóng vai trò giám đốc kỹ thuật. Nếu được đề nghị, có vẻ như đội Bình Dương cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho ông Chỉnh ra đi.

Họ về có đúng lúc không? Chẳng còn lúc nào tốt hơn lúc này. Nếu không có “phép màu” nào thì N.Sài Gòn sẽ xuống hạng và lúc đó, với cả Lê Huỳnh Đức lẫn Đặng Trần Chỉnh, mọi thứ đều sẽ là bắt đầu. Bóng đá Sài Gòn rất cần sự trở về của họ. Lý do chuyên môn đương nhiên, nhưng trên hết là yếu tố tinh thần, một trong những điều quan trọng để chấn hưng bóng đá thành phố. Câu hỏi bây giờ: Lúc nào và ai sẽ đưa ra lời mời với 2 công dân TPHCM này?

Lê Huỳnh Đức đã góp nhiều công sức cho đội Đà Nẵng.

Lê Huỳnh Đức đã góp nhiều công sức cho đội Đà Nẵng.

Để đốt lại ngọn lửa...

Tên tuổi và những gì 2 cựu ngôi sao kia đã làm trong quá khứ đủ để mối quan tâm về bóng đá trở lại với người Sài Gòn. Hơn nữa, chỉ cần sự có mặt của họ còn giá trị hơn hàng chục cầu thủ ngôi sao đến từ nơi khác. Họ sẽ là “nam châm”, là nguồn cảm hứng, là “tính cách địa phương” của một đội bóng.

Cứ thử tưởng tượng nếu bộ đôi tài năng trên cùng làm việc cho N.Sài Gòn thì đội bóng ấy chắc chắn không còn bị xem là “dân nhập cư” nữa. Điều đó, thật sự cần thiết và là yếu tố quan trọng bậc nhất nhưng còn thiếu trong chiến lược “làm lại” của làng cầu Sài Gòn. Những gì thất vọng, cũng đã thất vọng rồi. Nếu N.Sài Gòn xuống hạng thì lần đầu tiên, bóng đá Sài Gòn sẽ không có đội chơi ở hạng cao nhất (V-League). Đây cũng chẳng còn là lúc để than trách bất cứ điều gì mà là câu hỏi: Làm lại như thế nào?

Và chúng tôi tin rằng, muốn bắt đầu phải từ con người và nhất là những đầu tàu của các đội bóng. Một kế hoạch mời Lê Huỳnh Đức, Đặng Trần Chỉnh và tất nhiên, còn nhiều tên tuổi khác nữa trở về là điều phải làm đầu tiên và không thể không làm. Vì đơn giản là bóng đá Sài Gòn cần tìm lại cho mình một tinh thần, một phần linh hồn tươi mới đủ để hồi sinh tình yêu của người hâm mộ.
 

Đặng Trần Chỉnh

Sinh năm 1963 tại Sài Gòn, thi đấu cho đội Cảng Sài Gòn trong sự nghiệp cầu thủ từ năm 1984 đến 1998. Ông được xem là người có đóng góp lớn đối với bóng đá TPHCM trong suốt hơn 20 năm. Năm 2003 ông được bổ nhiệm làm Huấn luyện viên đội Cảng Sài Gòn thay cho HLV Phạm Huỳnh Tam Lang sau khi đội đã rớt hạng, và chỉ sau một năm dưới sự cầm lái của ông, đội đã giành quyền trở lại giải vô địch quốc gia.

Lê Huỳnh Đức

Sinh năm 1972 tại Sài Gòn và là con trai của cựu danh thủ bóng đá miền Nam, Lê Văn Tâm. Năm 1991, gia nhập đội bóng đá Quân khu 7 và sau đó chuyển sang đội Công an TPHCM. Năm 1995, anh giành danh hiệu vô địch quốc gia cùng đội bóng CA TPHCM. Năm 2003, sau sự kiện “quyền lực đen” ở đội Ngân hàng Đông Á, Lê Huỳnh Đức chuyển ra Đà Nẵng thi đấu đến năm 2007.

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục