Nâng tầm EURO

Nâng tầm EURO

Không như giới báo chí châu Âu dự báo trước giải, các trận đấu ở EURO 2012 hiếm khi nào buồn chán (mặc dù khá giằng co), kết quả khó đoán và tỷ lệ ghi bàn đang ở mức cao nhất trong 36 năm nay. Nhờ đâu vậy? Cũng theo… báo chí châu Âu, đó là nhờ các nguyên do sau đây.

Pha đánh gót ghi bàn độc đáo của tiền đạo Welbeck, giúp đội tuyển Anh thắng Thụy Điển 3-2.

Pha đánh gót ghi bàn độc đáo của tiền đạo Welbeck, giúp đội tuyển Anh thắng Thụy Điển 3-2.

1- Trước hết là nhờ… Sepp Blatter và Platini. Hai vị này liên tục bị chỉ trích vì đủ mọi chuyện, nhưng họ đã có công biến đổi bóng đá toàn cầu. Sau Italia 1990 khô khan bàn thắng, ông Blatter đã giao nhiệm vụ cho Platini tìm cách nâng cấp trò chơi của nhân loại và rồi ủng hộ khi Platini mang giải pháp đến. Quan trọng nhất trong số đó là cấm thủ môn bắt bóng từ đồng đội trả về, đồng thời đặt những cú truy cản từ phía sau “ra ngoài vòng pháp luật”.

Cấm trả về thì hậu vệ phải luyện kỹ thuật tốt hơn, thủ môn cũng phải luyện cú đá bóng lên trên cho ngon hơn để trở thành chuyền bóng chứ không chỉ là phá bóng. Nhờ vậy, bóng trong cuộc nhiều hơn, trận đấu “trôi chảy” hơn, các tiền vệ tấn công được nhận bóng sớm hơn để triển khai phối hợp. Cùng lúc đó, việc phạt nặng những lỗi từ phía sau cũng đã giúp các ngôi sao tấn công đỡ bị triệt hạ đến độ chấm dứt cả sự nghiệp như Marco van Basten ngày nào.

2- Sự nghiêm ngặt hơn của luật thi đấu đương nhiên đã tạo điều kiện cho bóng đá tấn công phát triển mạnh hơn. Cố tình phạm lỗi để cản trở cơ hội ghi bàn thì sẽ nhận thẻ đỏ. Túm áo, kéo người khi đối thủ lên bóng nhanh thì bị phạt thẻ vàng. Những chiếc thẻ ấy đã “tạo ra hành lang pháp lý”, bảo vệ cho các đội chuyển hóa nhanh hơn, lưu loát hơn từ phòng ngự sang tấn công. Thế là ngay cả đội Ý cũng tấn công! Rất ít có phản công và sút xa cũng không nhiều ở EURO này.

Nhưng bàn thắng thì nhiều. Trong xu thế phòng ngự bằng cách đẩy cao đội hình để vây ép-thu hồi bóng (như Tây Ban Nha vẫn làm) hoặc lùi cả đội về thật nhanh (như nhiều đội khác đang làm), các đội tấn công bắt buộc phải rèn luyện cho sắc sảo, hiệu quả. Kết quả: Sau 14 trận đấu đầu tiên ở các bảng, đã có 39 bàn thắng ghi được. Tỷ lệ trung bình 2,785 bàn thắng mỗi trận chính là tỷ lệ cao nhất kể từ 1976, khi EURO chỉ bao gồm 4 đội tham gia. Ngay cả kỳ EURO 96 vốn rất được tâm đắc (31 trận, 64 bàn) cũng không đạt được tỷ lệ này.

3- Một phần của sự khác biệt là tỷ lệ gia tăng của các bàn thắng ghi bằng đầu. Vì các hàng hậu vệ co về sâu hơn, nhiều đội đã chọn giải pháp rót bóng vào vòng cấm địa. Ở đó, những tiền đạo cao to khỏe mạnh như Mario Mandzukic (Croatia) và Nicklas Bendtner (Đan Mạch) rõ ràng nắm ưu thế.

Một lý do khác nữa: trình độ giữa các đội ở EURO đã trở nên khá cân bằng chứ không có nhiều đội lót đường như World Cup. Chỉ có một đội thực sự thất vọng về thành tích thi đấu là CH Ailen. Nếu không kể đến họ, 11/12 trận đấu đầu tiên đều cho kết quả hòa hoặc chỉ phân định thắng thua bởi 1 bàn cách biệt. Đồng thời, đã có 11/14 trận đấu đầu tiên tìm thấy bàn thắng ngay từ hiệp một. Như vậy, cái chuyện cân tài cân sức hơn không đồng nghĩa với việc đôi bên ghìm nhau chặt hơn. Các trận đấu ở EURO 2012 rõ ràng khá cởi mở.

Và các suất tứ kết cũng vẫn còn để ngỏ. Bốn năm trước, chỉ sau 14 trận đầu tiên ở các bảng, đã có 2 đội chính thức bị loại và 4 đội chính thức đoạt vé. Hiện nay, tính đến hết 16 trận ở 4 bảng (tức là tròn 2 lượt), cũng mới chỉ có Ailen và Thụy Điển chính thức bị loại và chưa ai lấy được chiếc vé tứ kết nào. Thật hào hứng.

4- Điều cần nói thêm vào lúc này: EURO 2012 có lẽ là kỳ EURO cuối cùng đạt được chất lượng như thế. Bốn năm tới, EURO 2016 ở Pháp sẽ tăng lên 24 đội. Có thêm những Bosnia-Herzegovina, Estonia, Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro, Thụy Sĩ, Na Uy, Slovenia hay Hungary thì chất lượng có hơn không, hay chỉ giảm đi? Đó là mối băn khoăn lớn của giới mộ điệu - những người đang xem con số 16 đội dự giải như hiện nay là con số vừa vặn nhất. Và tất nhiên, để tăng từ 16 lên 24 thì quyết định đó trước hết là của… Michel Platini - người đã có công nâng tầm EURO.

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục