Puig hiện đang xếp ở vị trí thứ 87 trên bảng điểm của WTA. Đây là một thứ hạng quá thấp với một tay vợt từng gây sốc khi giành HCV quần vợt đơn nữ ở Brazil hồi mùa Hè 4 năm về trước, trong vị thế một tay vợt không được xếp hạt giống (cô là tay vợt không được xếp hạt giống đầu tiên giành HCV Olympic).
Hiện tại, khi thời điểm của Olympic Tokyo đang cận kề, dù rằng người ta vẫn chưa rõ rằng, kỳ Thế vận hội này có diễn ra trong an toàn hay không, vì đại dịch COVID-19, Puiq lại có mối quan tâm lớn hơn, là quay lại sân đấu và chỉnh đốn phong độ, vượt qua những vướng mắc về mặt tâm lý - tinh thần!
Lần cuối cùng cô hiện diện trên sân đấu, đó là khi cô tham gia giải đấu Luxembourg Open hồi tháng 10 năm ngoái, với các trận thắng Fiona Ferro (Pháp) và Krystina Pliskova (CH Czech) trước khi để thua “một trong tứ đại mỹ nhân của quần vợt Đức” Julia Goerges với điểm số 6-1, 2-6 và 3-6.
Sau giải đấu đó, Puig dính chấn thương khủy tay và rút lui khỏi toàn bộ giai đoạn còn lại của mùa 2019 để giải phẫu chữa chấn thương. Cô sẽ chỉ quay trở lại ở Oracole Challenger Series (một giải đấu thuộc đẳng cấp WTA 125K), và đây sẽ là “những phản ứng mới nhất” của Puig sau những tháng ngày đen tối. Nhưng “những ngày tháng đen tối đó”, bắt đầu từ đâu?
Vấn đề là, hiếm khi Puig “ổn” và tự tin vào chính bản thân của mình. Sau tấm HCV Olympic đầy bất ngờ, và quay trở về Puerto Rico trong tư cách “nữ anh hùng của đất nước”, Puig liên tục sa sút, cả về phong độ lẫn tâm lý Cô bị loại ngay ở vòng 1 của US Open 2016, giải đấu vốn diễn ra cách đó 2 tuần.
Chính Puig cũng thừa nhận: “Trong 3 năm vừa qua, tôi phải sống ở trong bóng tối. Tôi đã không có được sự tập trung. Tôi vướng vào rất nhiều thứ, và khiến tự bản thân thật lôi thôi lếch thếch. Tôi không chú ý vào những thứ có giá trị hay những thứ khiến tôi cảm thấy hứng thú. Tôi chỉ hài lòng với những chuyện khác. Tôi không đi ra ngoài chơi với gia đình và bạn bè. Thay vào đó, tôi ru rú ở nhà, tay cầm điện thoại và đọc những bình luận trên mạng xã hội, thứ mới khiến tôi thật sự chú ý. Tôi có thể có 15 tin nhắn tích cực, nhưng chỉ cần đọc 1 tin nhắn tiêu cực, tôi bị chìm đắm trong đó. Tôi quá tệ hại”.
Khi được phóng viên La Nacion hỏi, liệu Puig có nên tìm một bác sĩ tâm lý để điều trị chứng trầm cảm tinh thần này hay không, cô cho biết mọi chuyện là rất khó, trước khi cô “học được cách tự diễn giải bản thân tốt hơn, và tin tưởng vào những con người khỏe mạnh”. Puig nói: “Tôi muốn thật chân thành, bởi vì tôi biết rằng, các VĐV giống như là hình ảnh cho giới trẻ, và tôi muốn giới trẻ biết rằng, con đường đi mà các VĐV trải qua, không phải là toàn hoa hồng”.
“Quần vợt hiện đại có những tay vợt trẻ sở hữu các thành tích khó tin như là Coco Gauff, người chơi bóng mà không hề sợ hãi, hoặc như là Sofia Kenin, người thi đấu rất hay. Cả 2 có lẽ sẽ thua, vấn đề là họ không cho bạn cơ hội chứng kiến màn trình diễn có đẳng cấp thấp. Quần vợt nam rất hấp dẫn vì họ luôn xây dựng điểm số từ từ, giống như đang kể một câu chuyện thật dài trước khi kết thúc mọi thứ. Ở quần vợt nữ, câu chuyện kết thúc thật nhanh. Rất là khác biệt, nhưng cũng rất là vui thích, Puig nói.
Ngày 13-8 tới đây, sẽ là tròn 4 năm kể từ khi Puig thắng tấm HCV Olympic, trở thành “kẻ thừa kế di sản của những” tên tuổi như Serena Williams (Olympic London 2012), Elena Dementieva (Olympic Beijing 2008), Justine Henin (Olympic Athens 2004), hay là Venus Williams (ở Olympic Sydney 2000… Từ đây cho đến đó, cho dù Olympic Tokyo 2020 có diễn ra như kế hoạch hay không, Puig cũng nên thắng 1 danh hiệu, xem như cũng là giành lại sự tự tôn của chính bản thân, và vượt qua “những năm tháng tâm lý cực kỳ đen tối”.
Monica Puig đã giành HCV quần vợt đơn nữ ở Olympic Rio de Janeiro 2016 sau khi đánh bại lần lượt Polona Hercog (Slovenia), Anastasia Pavlyuchenkova (Nga), Garbine Muguruza (Tây Ban Nha), Laura Siegemund (Đức), Petra Kvitova (CH Czech) và Angelique Kerber (Đức). Những người giành HCB và HCĐ lần lượt là Kerber và Kvitova. |