Một vài milimet

1. “Bàn thắng” hay “không bàn thắng” là đề tài tranh cãi trên cộng đồng mạng suốt từ sau trận chung kết bóng đá nữ Đông Nam Á cho đến nay bởi đó là tình huống rất nhạy cảm, khó xác định bằng mắt thường khi mà quả bóng chỉ “vướng” vạch vôi cầu môn vài milimet. Một khi không có công nghệ như Goal-line, thì quyết định của trọng tài là tối hậu. Nếu chúng ta cho rằng, bóng đã qua hết lằn vôi thì người Thái cũng có quyền nói rằng, hãy còn vài milimet. Tranh cãi vì thế, không có ý nghĩa gì cả. Bởi điều quan trọng nhất mà không phải là “bao nhiêu milimet” là “có bàn thắng hay không có bàn thắng” theo quyết định của trọng tài.

Nhưng xem ra, “vài milimet” đó lại dẫn đến một cuộc tranh luận khác, nên được thực hiện một cách nghiêm túc hơn là chuyện 99,9% hay 0,01% của quả bóng trong tình huống đó: Tại sao bóng đá Việt Nam luôn cứ phải đẩy mình vào hoàn cảnh “tức tưởi” như vậy trong các trận đấu có ý nghĩa quyết định, ở các thời khắc then chốt - chỉ không lâu, đội tuyển U.16 đánh rơi chức vô địch bởi những bàn thua phút cuối và sau đó thua luôn ở loạt sút luân lưu. Trước đó nữa, đội tuyển Việt Nam chỉ thắng Singapore ở giờ đấu thêm trong giải giao hữu ở Myanmar.

2. Và đấy chính là câu chuyện “chỉ vài millimet” của bóng đá Việt Nam. Không ai nhớ hết số lần vào chung kết, hoặc các trận đấu “một mất-một còn” của các đội tuyển quốc gia, thế nhưng lại dễ dàng đếm được những lần thành công, bởi nó quá ít ỏi. Chúng ta thường xuyên nhớ đến những giọt nước mắt nuối tiếc, những giây phút bi tráng, bởi nó diễn ra thường xuyên quá nhưng lại ít người nhớ đến lý do vì sao chúng ta lại thua đau như  vậy. Sau một trận thua kiểu đó, lại thấy nói nhiều đến trọng tài, đến xui rủi và hàng tá lý do khác để “quy trách nhiệm”, nhưng tại sao không xâu chuỗi sự việc để thấy rằng, những thất bại ấy có tính… hệ thống. Những kiểu thất bại “chỉ vì vài milimet”.

Trong bóng đá, sự khác biệt đôi khi chỉ là vài milimet. Chúng ta vừa bỏ qua cơ hội để kết thúc trận đấu thì ngay lập tức, nó được trao cho người khác. Như vậy, việc cần thiết không phải là đợi đến cơ hội kế tiếp để sửa chữa mà là đừng bao giờ để tuột nó khỏi tay mình. Đừng vội vàng nói rằng, sẽ rút kinh nghiệm ở lần sau bởi chẳng ai biết trước được tương lai, cái chính vẫn là ở hiện tại, là phải giành được mọi thứ khi đã có lợi thế để làm điều đó.

Thứ bản lĩnh đó không phải cứ làm theo công thức “thất bại là mẹ thành công”, bởi thực tế chứng minh, chúng ta thất bại quá nhiều để khiến thành công ngày càng trở nên ít đi.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục