Phải đến lúc này mới thấy hết ý nghĩa của cái ngày mà các ông bầu kỳ cựu của V-League quyết tâm đứng lên giành lấy quyền làm chủ để từ đó ra đời Công ty VPF. Khi đó, các ông bầu nếu tuyên bố đều họ không thể quản lý được V-League thì cũng sẽ từ bỏ bóng đá. Sự thật thì đó không phải là dọa suông.
Bảo là “dọa” thì cũng chưa đúng, chẳng qua các ông bầu không nói toạc ra hết cái mà họ đang gặp phải, đó là những khó khăn về tài chính khiến cho việc duy trì đội bóng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Những người như bầu Đức, bầu Thắng đã mất chừng ấy năm với điệp khúc “rót tiền”, “rót tiền” cho đội bóng. Họ đã nhìn thấy chuyện đến lúc rồi cũng chẳng có tiền mà rót nữa. Nếu không tìm được nguồn thu từ bóng đá, việc phải bỏ bóng đá là chuyện tất yếu.
Sự thật là đúng như những gì chúng tôi đã từng cảch báo cách đây 2 năm, đã và sẽ có một cuộc “tháo chạy” khỏi bóng đá. Duy trì chuyện làm ăn đã làm những doanh nhân ấy đau đầu, thời gian đâu nữa là nghĩ đến việc đầu tư bóng đá. Chuyện làm thương hiệu ở thời buổi khó khăn hiện thời là cái gì đó quá lãng phí. Bỏ chừng chục tỷ thôi cho quảng cáo cũng phải cân nhắc nói gì đến chuyện ném cả vài lần còn số ấy cho đội bóng. Mà ngoài chuyện làm thương hiệu, bóng đá đâu đem lại ích lợi gì, nếu không nói là còn “tiền mất, tật mang”. Kiểu như một doanh nghiệp đang báo lỗ về doanh thu mà cứ duy trì đội bóng thì chẳng khác nào bảo mình đang… rửa tiền.
*****
Đã đến lúc phải nói thật: Đổ tiền làm bóng đá bây giờ không được gọi là “đại gia” mà coi chừng còn bị xem là “có vấn đề”, nhất là ở bối cảnh mà các doanh nghiệp đều hoạt động theo mô hình cổ phần và đa số đều lên sàn chứng khoán. Nuôi đội bóng là phải giải trình trước các cổ đông. Đấy là lý do mà các công ty bóng đá thường bị gạt ra ngoài danh sách công ty thành viên. Mới đây, việc Sài Gòn FC chuyển thành Sài Gòn Xuân Thành cũng vì thế. Chẳng biết là bầu Thụy nhiều tiền đến mức nào nhưng cứ bỏ tiền khơi khơi mà không gắn tên với doanh nghiệp là sẽ bị nghi ngờ ngay.
Nhân chuyện bầu Thụy, cũng phải nói rằng không cứ ông bầu nào hiện nay cũng gặp khó khăn về tài chính đến mức phải bỏ bóng đá. Tuy nhiên, cái nguy hiểm nằm ở chỗ số người chia tay bóng đá ngày càng nhiều và lại không có người mới nhảy vào địa hạt tốn kém này. Cứ nhìn giải hạng Nhất đang ngày một nghèo túng đi thì biết. Như vậy, dần dà rồi thì bóng đá chuyên nghiệp “sống” bằng cái gì hay 1-2 năm nữa, tại V-League chỉ còn vài CLB thuộc các ông bầu như Hà Nội T&T, CLB Hà Nội, Sài Gòn Xuân Thành… đá với những đội dùng tiền ngân sách như K.Kiên Giang, CS.Đồng Tháp…
*****
Chuyện ấy, hoàn toàn có thể xảy ra nếu cứ nhìn những gì xảy ra ở hiện tại. Chúng tôi không tin sẽ còn người hào hứng làm bóng đá nếu đến nay, V-League không đem lại đồng bạc nào từ chính bóng đá. Việc có 10 nhà bảo trợ tài chính cho VPF vừa qua phải hiểu cho đúng là đổi quảng cáo lấy tiền chứ đừng tin rằng nguồn tiền ấy sẽ đủ để vận hành một nền bóng đá. Nói gì thì nói, chính các CLB phải làm ra được tiền từ công tác thi đấu. Rồi chính việc tổ chức giải mới đem lại tiền để chuyển về cho CLB. Vài tỷ đồng mỗi năm từ bản quyền quảng cáo trên truyền hình chẳng thấm vào đâu so với mức đầu tư, quá trình trượt giá và tỷ suất đầu tư đang tỷ lệ nghịch với doanh thu từ các doanh nghiệp.
Một khi tiền đã hết, bóng đá chuyên nghiệp sẽ chết. Điều tất yếu đó đáng tiếc lại rơi quá sớm vào giai đoạn manh nha nhất của bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Hồ Việt
| |