Món nào hay gây dị ứng?

Dị ứng đã từ lâu có mặt thường xuyên trong đội hình thi đấu chính thức của “bệnh thời đại”. Chỉ nói riêng ở CHLB Đức, nơi tình trạng ô nhiễm môi trường chắc không bằng bên mình, nơi không thiếu thuốc đặc hiệu, nơi cũng không thiếu thầy thuốc chuyên khoa cũng như chương trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vậy mà số người từ nhẹ như nhảy mũi, ngứa ngáy đến nặng như hen suyễn đã tăng gấp 3 lần nếu so với thập niên trước đây.

Tỷ lệ cứ 3 người dân bên đó có 1 người phải dùng thuốc chống dị ứng cho thấy căn bệnh này không còn là chuyện nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không vô cớ đặt tên cho dị ứng là “cơn dịch của các nước phương Tây”. Định nghĩa này xem ra chưa chính xác vì bệnh không chỉ hoành hành bên tây mà ngay cả bên ta cũng thế. Ai chưa tin chỉ cần xem số thuốc chống dị ứng đang được tiêu thụ hàng ngày ở xứ mình.

Dị ứng ngoài da.

Đúng như tên gọi, dị ứng là một loại phản ứng quái dị của cơ thể do hệ miễn dịch phản ứng trật đường rầy theo kiểu huy động toàn bộ hệ thống phòng vệ để đối đầu với chất nào đó, thường khi vô hại. Hậu quả của trận tương tranh, cụ thể hơn, phế phẩm của phản ứng đối đầu khiến cơ thể bị văng miểng dưới đủ dạng dị ứng, kể cả trên tinh thần, chứ đừng nói chi hình thức thông thường như ngứa ngáy ngoài da. Chất sinh dị ứng trong đa số trường hợp cũng chẳng hề là chất chi có cấu trúc phức tạp, nhiều khi là món ăn, thức uống, hóa chất thông thường, hay thậm chí chỉ vì sai biệt nhiệt độ, nhưng lại sinh dị ứng mới oan làm sao. Nghĩa là sai lầm khi trăm dâu đổ đầu chất sinh dị ứng vì dị ứng hay không còn tùy kiểu cách phản ứng của cơ thể. Nói chung, chất sinh dị ứng thường là phấn hoa, lông thú vật, côn trùng, thực phẩm (trong số đó ít ai ngờ là do sữa), độc chất trong môi trường ô nhiễm (đứng đầu là Nickel)…

Viêm mũi dị ứng.

Tất nhiên dị ứng không khơi khơi gõ cửa nạn nhân. Phải có yếu tố nào đó làm đòn bẩy thì dị ứng mới bắt lửa. Bằng chứng là trong cùng điều kiện sinh hoạt không ai dị ứng như ai. Bên cạnh đó, bệnh nặng hay nhẹ còn tùy hình thức dị ứng. Thầy thuốc ngành miễn dịch thường chia dị ứng với mức độ từ nhẹ đến nặng dưới đây:

+ Dị ứng ngoài da

+ Viêm mắt

+ Viêm mũi dị ứng

+ Rối loạn tiêu hóa

+ Viêm da thần kinh

+ Phù mặt

+ Hen suyễn

+ Cao huyết áp

+ Choáng phản vệ

Bảng xếp loại nêu trên cho thấy không chỉ bệnh nhân mà thậm chí thầy thuốc cũng có thể bị đánh lừa dễ dàng vì dị ứng rất đa dạng. Cũng may là việc chẩn đoán với kỹ thuật y khoa hiện nay tương đối đơn giản. Điểm lý thú theo kết quả nghiên cứu còn nóng hổi ở CHLB Đức, món đứng hàng đầu trong các nguyên nhân sinh dị ứng lại vô hình, chính là stress. Đó cũng chính là lý do tại sao số nạn nhân tăng nhanh đến thế. Trong cuộc sống căng thẳng của thế kỷ 21, ai dám vỗ ngực xưng mình xem stress như chuyện tào lao.

Đừng xem thường dị ứng. Đừng quên mỗi lần dị ứng là dấu hiệu báo động cho thấy hệ miễn dịch không còn vận hành chính xác như mong muốn. Gặp mặt trận đã hở sườn dễ gì kẻ địch chịu ngồi yên. 

Tin cùng chuyên mục