Trong số đó có nhãn hàng thể thao MASU, là thương hiệu Việt mới nổi tại TPHCM. Thế nhưng, đứa con “sinh sau đẻ muộn” ấy lại đang đi những bước... khác người để có thể cách tân trong suy nghĩ của cộng đồng yêu thể thao tại Việt Nam. Len lỏi vào con đường tài trợ bóng đá chuyên nghiệp, đó là nước đi mà MASU đang hướng đến.
Tên tuổi của MASU gắn liền với đội chuyên nghiệp Bà Rịa Vũng Tàu trong vai trò nhà tài trợ trang phục; Đến việc phối hợp tổ chức Giải tập huấn Thiên Long, nơi có các cựu vương V-League như Becamex Bình Dương, HA.GL, Đà Nẵng... tham dự; Đồng hành cùng QBV Việt Nam, một trong những giải thưởng cá nhân đầy danh giá của thể thao Việt... Trong tương lai gần, Becamex Bình Dương sẽ là tầm ngắm tiếp theo của MASU. Dù bước đầu tiếp cận với bóng đá chuyên nghiệp thế nhưng, những gì mà thương hiệu Việt này đạt được thật đáng khích lệ.
Tất nhiên, với một thương hiệu Việt mới nổi, đó có thể là bước đi mạo hiểm. Bởi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể gọi “hái ra đồng tiền” và nếu không toan tính hợp lý cho dòng tiền đổ vào thì doanh nghiệp có thể đứng bên bờ đổ vỡ, nhất là khó khăn của nền kinh tế trong thời đại Covid-19. Nhưng với trái tim biết yêu, cái đầu nghĩ rộng và đôi tay dám làm... MASU đã vượt khó để dần trở thành thương hiệu uy tín trong việc truyền bá thương hiệu đậm chất “made in Vietnam” (tạm dịch: sản xuất tại Việt Nam) vào bóng đá Việt, qua đó, tạo thêm niềm tin, sự tự hào về các sản phẩm trong nước. Đó cũng là cách để MASU truyền cảm hướng và khơi dậy tinh thần dân tộc đến với mọi người.
“Thông qua việc đồng hành với các sân chơi bóng đá chuyên nghiệp, tôi muốn cho mọi người thấy được sự phát triển vượt bậc của các sản phẩm thể thao tại Việt Nam. Tại Việt Nam, có những sản phẩm cao cấp để các cầu thủ Việt yên tâm sử dụng. MASU tự tin có thể bắt kịp với những thương hiệu lớn ở quốc tế và mong rằng, có thể thay đổi tư duy người Việt hãy yên tâm và mạnh dạn xài hàng Việt”, CEO Nguyễn Tuấn Thanh, đồng sáng lập thương hiệu MASU chia sẻ.
Vốn xuất phát điểm là cựu sinh viên trường Đại học TDTT TPHCM và từng đồng hành với bóng đá phong trào, chuyên nghiệp, ông Thanh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm với của doanh nghiệp với bóng đá. Và đó cũng là lý do để báo SGGP và MASU “se duyên” cho mùa Vàng 2020.
“Tất nhiên, dịch Covid-19, ai cũng khó khăn. Thế nhưng, nếu ai cũng than khó thì ai sẽ đồng hành với bóng đá nước nhà? Tôi nghĩ, nếu MASU tới với QBV Việt Nam ở thời điểm đặc biệt này thì mới trân trọng. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ, san sẻ những gì tốt nhất có thể để cùng với báo SGGP tiếp tục duy trì sự chất lượng của Giải thưởng QBV Việt Nam.
Một chương trình đầy nhân văn như vậy thì sao mình có thể đứng ngoài cuộc? Đồng hành với giải thưởng cũng là cách để MASU khích lệ, tôn vinh tinh thần cống hiến và những đóng góp của các cầu thủ, qua đó, giúp các cầu thủ có thêm động lực để cống hiến vào sự phát triển của bóng đá nước nhà”, ông Thanh nói thêm.