Trước đó, ban vận động Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam đã thực hiện xong các thủ tục để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu nhiệm kỳ lần thứ nhất của môn thể thao này.
Dự kiến ban đầu, Liên đoàn đã có thể tổ chức ở tháng 4 năm nay hoặc trong trường hợp không diễn ra kịp thì theo quy định của Bộ Nội vụ sẽ chỉ được phép chậm 3 tháng (nghĩa là trong thời điểm tháng 7 hoặc tháng 8 phải tổ chức). Dù thế, vào lúc này mọi tín hiệu về việc có thực hiện Đại hội đại biểu nhiệm kỳ lần thứ nhất hay không vẫn bỏ ngỏ.
Trong thời gian diễn ra SEA Games 31 vừa qua, ứng viên cho vị trí Chủ tịch Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam ở nhiệm kỳ 1 là PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng) có mặt xuyên suốt thời gian đội tuyển đấu kiếm thi đấu để theo dõi, cổ vũ các VĐV.
Trên cả nước hiện có 7 đơn vị đầu tư chuyên sâu đối với môn đấu kiếm trong đó một số đơn vị mạnh nhất là Hà Nội và TPHCM. Người làm đấu kiếm kỳ vọng, khi môn thể thao này thành lập Liên đoàn thì việc tổ chức nhiều hơn các hoạt động đấu kiếm với hình thức xã hội hóa sẽ hiệu quả hơn, đồng thời, việc tìm hướng để các địa phương được trang bị mua mới các thiết bị phụ trợ cho thi đấu, đặc biệt là kiếm, sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Vào tháng 12, đấu kiếm sẽ thi đấu trong chương trình của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 ở Quảng Ninh tuy nhiên rất nhiều VĐV hy vọng rằng Việt Nam trong những năm tới cần phải tổ chức một số giải quốc tế để gia tăng thêm hình ảnh cũng như VĐV được dịp cọ xát thi đấu tích lũy tốt hơn.
Đấu kiếm Việt Nam đã có huy chương ASIAD, huy chương châu Á, huy chương SEA Games và giành suất trực tiếp dự Olympic nhưng chưa có Liên đoàn.