Thể thao Việt Nam vừa nhận cùng lúc cả tin vui lẫn không vui, sau khi nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi làm nên lịch sử với chiến tích giành tấm HCĐ tại giải Vô địch billiards carom 3 băng nữ thế giới 2024, thì chính VĐV này chia sẻ trên trang cá nhân về cảm giác bị “bỏ rơi” vì không được Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) hỗ trợ bất kỳ khoản kinh phí nào dù cô tham gia với tư cách là đại diện cho Việt Nam với quyết định cử đi của VBSF.
Cũng theo Yến Nhi, cô là thành viên (có đóng phí 700.000 đồng/năm) của VBSF nên dù ít hay nhiều thì cũng cần có được sự hỗ trợ từ liên đoàn.
Lãnh đạo VBSF cũng đã có phản hồi, theo đó quyết định cử VĐV dự giải vô địch thế giới được ban hành từ đầu tháng 8 trong đó nên rõ phần kinh phí do đơn vị chủ quản của VĐV chi trả. Nói cách khác, VĐV đã biết trước việc sẽ không được liên đoàn chi tiền nên không thể nói là “bị bỏ rơi”. Đoàn tham gia giải cũng có 1 HLV đi kèm, cùng 1 VĐV khác.
Căn cứ trên văn bản thì VBSF không sai, nhưng phản ảnh của VĐV Yến Nhi lại cho thấy liên đoàn chưa thực sự hoàn thành tốt vai trò cũng như chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Đành rằng VĐV khi đi thi đấu theo tư cách đại diện quốc gia thì sẽ có nguồn kinh phí từ ngân sách phân bổ ở địa phương, hoặc tự bỏ tiền túi nếu dự các giải mời đích danh (có tiền thưởng) theo tư cách cá nhân.
Nhưng xét cho cùng, VĐV cũng là một thành viên của liên đoàn, có thành tích tốt thì bản thân liên đoàn cũng hưởng lợi. Chẳng phải một liên đoàn/hiệp hội thể thao quản lý nhiều CLB hay cá nhân có danh tiếng tốt thì sẽ thuận lợi trong việc vận động tài trợ, tổ chức sự kiện có doanh thu hay sao? Điều này đã được các Liên đoàn Bóng đá, Bóng chuyền, Xe đạp… chứng minh.
Ở khía cạnh khác, sự ra đời của các liên đoàn, hiệp hội thể thao không phải để làm thay công việc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép thi đấu hay huấn luyện VĐV, mà quan trọng nhất đó là điểm tựa cho sự phát triển các tài năng.
Nói cách khác, liên đoàn phải hoạt động theo nguyên tắc: Có lợi nhuận nhưng phi lợi ích, những gì làm ra đều phải quay lại phục vụ và nâng cao quyền lợi của VĐV. Ví dụ như VĐV có dự các giải đấu theo tư cách cá nhân, giành chiến thắng và tự kiếm tiền, thì bản thân các liên đoàn còn phải làm sao có ngân sách để thưởng thêm cho họ.
Thế nên, chỉ riêng việc VBSF “nói trước” với VĐV là mình không cấp kinh phí thì cũng đã là việc tự chối bỏ vai trò điểm tựa của tổ chức mình.