Liên đoàn các môn thể thao mới ở Việt Nam căng mình tìm nguồn xã hội hóa

Trượt băng nghệ thuật hay bóng chày với nhiều người Việt Nam còn khá mới mẻ. Tuy thế, những môn thể thao này đã ra mắt Liên đoàn của mình và nhà quản lý của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao ấy đang nỗ lực tìm nguồn xã hội hóa nhằm thêm nguồn lực cho hoạt động chuyên môn tốt nhất.

Liên đoàn trượt băng và roller Việt Nam đang nỗ lực tìm thêm các nguồn xã hội hóa. Ảnh: NHƯ Ý
Liên đoàn trượt băng và roller Việt Nam đang nỗ lực tìm thêm các nguồn xã hội hóa. Ảnh: NHƯ Ý

Khó nhưng không nản

Liên đoàn bóng chày & bóng mềm Việt Nam cùng Liên đoàn trượt băng và roller Việt Nam đã lần đầu tổ chức giải đấu vô địch quốc gia của mình. Kể như, các môn này đã ra đời giải vô địch quốc gia và VĐV có giải đấu chính thức tranh tài.

“Chúng tôi nỗ lực để hình thành và quyết tâm tổ chức giải vô địch quốc gia trượt băng nghệ thuật lần đầu tiên. Liên đoàn trượt băng và roller Việt Nam cùng Tổng cục TDTT và Sở VH-TT Hà Nội rất nỗ lực tổ chức giải đấu bởi nếu không tổ chức thì các em VĐV sẽ chưa có một sân chơi, trình diễn chính thức. Nếu đặt câu hỏi kinh phí tổ chức thế nào, chúng tôi có thể chia sẻ rằng ngoài sự hỗ trợ của Sở VH-TT Hà Nội thì phần lớn nguồn kinh phí là từ kêu gọi xã hội hóa đồng hành”, Tổng thư ký Liên đoàn trượt băng và roller Việt Nam – bà Trịnh Trang bày tỏ.

Như bà Trang giãi bày, là một Liên đoàn thể thao còn mới cũng như môn trượt băng vẫn khá mới mẻ ở trong nước thì việc phải có các nguồn xã hội hóa đồng hành trong nhiều hoạt động là khó tránh khỏi. “Như giải năm nay, chúng tôi thực hiện tốt về công tác chuyên môn, trọng tài nhưng cũng phải cần thêm đồng hành nguồn lực của mạnh thường quân như công ty TNHH vận hành Vincom retail, công ty cổ phần chứng khoán VPS hay công ty thể thao Hồng Quân thì các chi phí đỡ tốn kém hơn”, bà Trang nói thêm.

Thực tế, trượt băng nghệ thuật khá đặc thù bởi muốn tập là phải có sân băng. Lúc này, sân băng tập, va trình diễn của VĐV trong nước chỉ còn có tại TPHCM và Hà Nội. Một số đơn vị như Đà Nẵng, Đồng Nai có sân băng nhưng đang tạm đóng cửa. VĐV trượt băng nghệ thuật muốn tập là phải thuê sân rồi các trang trải chi phí cho giầy trượt, trang phục và nhiều thứ khác nên nếu không có nguồn xã hội hóa hoặc gia đình song hành thì rất khó tập luyện vững tâm.

“17 em VĐV thi đấu giải vô địch quốc gia lần đầu tiên đều là VĐV do Liên đoàn quản lý. Hiện tại chưa một địa phương nào có đào tạo chuyên biệt và có đội trượt băng nghệ thuật vì nhiều lý do nên chính vì thế, việc đầu tư chi phí là hoàn toàn tự túc. Liên đoàn đã và đang thúc đẩy nhiều hoạt động theo mục tiêu đề ra không ngoài mục đích để nhiều người, nhiều phụ huynh quen hơn với trượt băng nghệ thuật qua đó cho con em mình theo tập và thấy được tính chất thể thao và nghệ thuật ở môn này”, bà Trang cho biết.

Nuôi dưỡng đam mê

Từ TPHCM ra Hà Nội, anh Nam và chị Thủy theo dõi từng phút biểu diễn của cậu con trai Phan Hoàng Phúc ở giải năm nay. Anh Nam bảo “con mình đam mê, gia đình chiều con nên cố gắng để cho con đi hết với đam mê của mình”. Chàng VĐV trẻ Phan Hoàng Phúc (18 tuổi) chia sẻ rằng, mình đã đem lòng yêu mê môn trượt băng nghệ thuật gần 5 năm rồi nên kể như nó là một trong những niềm vui, mục tiêu đeo đuổi của bản thân.

Trà Mi đang được gia đình đầu tư cho tập luyện trượt băng nghệ thuật tại Canada. Ảnh: QUYẾT THẮNG

Trong khi đó, chị Tường Vi có nhà ngay gần sân băng ở Royal City (Hà Nội) cũng theo sát con gái Hoàng Trà Mi (13 tuổi) tham dự giải năm nay. Người mẹ ấy thầm lặng ngồi trên hàng ghế khán giả, cổ vũ cô con gái nhỏ sau mỗi lần thể hiện kỹ thuật xoay vòng và không thiếu lúc xuýt xoa lấy tay che mặt, hay vỗ tay ủng hộ hết mình vào lúc con gái trượt ngã ở kỹ thuật khó khi trình diễn. Giống họ, bà Trịnh Trang cũng có con gái Trần Khánh Linh là 1 VĐV trượt băng tham dự giải nên rất hiểu cảm xúc từ những người làm cha, làm mẹ trực tiếp chứng kiến con mình thi đấu.

Chị Tường Vi kể, để nuôi dưỡng đam mê cho con, gia đình không tiếc gởi con tới Canada học trượt băng với thầy giỏi mà chi phí mỗi buổi khoảng 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) hay thầy có tiếng lên tới 175 USD (gần 4 triệu đồng). “Đầu tư cho con với môn trượt băng nghệ thuật là thật sự mất nhiều chi phí. Gia đinh chúng tôi có nhà tại Canada cũng phải bán đi để có nguồn tài chính đầy đủ cho con tập luyện, tham gia các giải. Tiền đầu tư cho con có thể từ 10.000 đô-la Canada cho tới 200.000 đô-la Canada nhưng chúng tôi luôn giáo dục con phải biết trân trọng sự đầu tư ấy để có thành quả tốt nhất”, chị Tường Vi trao đổi.

Bà Trịnh Trang cho biết, chi phí phụ kiện cho 1 VĐV trượt băng nghệ thuật là khó đếm kể đồng thời, tất cả các VĐV đều đang theo học văn hóa chủ yếu và chọn môn thể thao này làm môn thể thao song hành. “Chính vì thế, vừa đầu tư cho con học tập văn hóa, vừa đầu tư cho đeo đuổi niềm đam mê trượt băng nghệ thuật có chi phí không nhỏ nhưng chúng tôi đều cố gắng để các con thành tài”, Tổng thư ký Liên đoàn trượt băng và roller Việt Nam trần tình.

Cuối tháng 9 mới đây, Liên đoàn bóng chày & bóng mềm Việt Nam đã tổ chức họp ban chấp hành nhằm bổ sung thêm nhân sự gồm 2 tân Phó Chủ tịch mới (1 người tới từ lĩnh vực kinh doanh, 1 người tới từ lĩnh vực truyền thông). Việc bổ sung nhân sự của Liên đoàn này không ngoài mục đích tăng cường thêm sự hiểu quả về kêu gọi nguồn xã hội hóa để thêm kinh phí đảm bảo cho các hoạt động trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục