A - Anh
Dù luôn tự hào là quê hương của bóng đá, nước Anh vẫn chưa một lần được chứng kiến đội tuyển con cưng lên ngôi vô địch Euro. Có những thời điểm tưởng chừng như Tam Sư đã rất gần đỉnh vinh quang, nhưng đó cũng là lúc họ ngã đau nhất.
Đầu tiên phải kể đến kỳ Euro 1996 được tổ chức trên sân nhà, nơi tuyển Anh để thua đối thủ truyền kiếp là Đức trong loạt luân lưu ở bán kết. Tuy nhiên cay đắng nhất có lẽ là trận chung kết thất bại trước đội tuyển Italy tại kỳ Euro gần nhất ngay trên thánh địa Wembley. Trước trận đấu đó, có lẽ tất cả các fan của Tam Sư đều tự tin vào một chiến thắng, vào việc “bóng đá sẽ trở về Nhà”, nhưng một lần nữa loạt luân lưu lại chôn vùi giấc mơ của họ.
Năm nay có lẽ sẽ là cơ hội lớn khác để HLV Gareth Southgate hiện thực hóa giấc mơ đoạt được một chức vô địch lớn với tuyển Anh. Với dàn hảo thủ trẻ trung đang khuynh đảo bóng đá châu Âu như Bukayo Saka, Phil Foden, Jude Bellingham… liệu Southgate có làm nên chuyện?
B - Bierhoff
Trước Mario Gotze, có lẽ gà son nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá Đức là Oliver Bierhoff. Cựu tiền đạo cao lớn này không dội bom khủng khiếp như Gerd Muller, không ổn định trong nhiều năm như Miroslav Klose hay có một sự nghiệp đầy rẫy danh hiệu như Thomas Muller. Chỉ đơn giản, ông là người một tay lật ngược thế cờ trong trận chung kết Euro 1996 gặp CH Séc, giúp nước Đức lần thứ 3 vô địch châu Âu.
Đáng nói hơn, trước giải đấu này, Bierhoff mới chỉ ra mắt đội tuyển Đức lần đầu tiên vào tháng 2 cùng năm, ở tuổi 28, và có 2 bàn thắng vô thưởng vô phạt trong các trận giao hữu. Thậm chí ban đầu Bierhoff cũng không nằm trong danh sách được HLV Berti Vogts triệu tập tham dự Euro 96. Vogts chỉ điền tên Bierhoff khi được… vợ của mình tư vấn với linh cảm rằng Bierhoff sẽ đền đáp sự tin tưởng của ông.
Và linh cảm của phụ nữ đã đúng, Bierhoff vào sân thay người trong trận chung kết ở phút 69 khi Đức đang bị CH Séc dẫn trước 1 bàn. Sau đó ông trở thành người hùng khi lập cú đúp mang về chiến thắng cho Die Mannschaft, với bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 ở phút 95 của hiệp phụ thứ nhất chính là “Bàn thắng Vàng” đầu tiên trong lịch sử Euro, đưa cái tên Bierhoff vào hàng ngũ huyền thoại chỉ sau một trận đấu.
C - Christian Eriksen
Ở kỳ Euro 2020, ngoài những dấu ấn về yếu tố chuyên môn, chắc chắn khoảnh khắc được người hâm mộ nhớ mãi, thậm chí ám ảnh chính là lúc Christian Eriksen đổ gục xuống sân. Cụ thể hơn, trong trận đấu giữa Đan Mạch gặp Phần Lan ở lượt 1 bảng B - trận đấu mà Đan Mạch được thi đấu trên sân nhà. Ở phút thứ 42, sau khi nhận đường chuyền từ một pha ném biên của đồng đội, Eriksen bất ngờ đổ sập theo đúng nghĩa đen. Anh rơi vào trạng thái bất tỉnh nhân sự và được các nhân viên y tế kịp thời sơ cứu trước khi chuyển tới bệnh viện.
Rất may sau đó, sức khỏe của Eriksen dần ổn định trở lại. Anh được cấy máy khử rung tim và quay trở lại sân cỏ sau 6 tháng trong màu áo Brentford, đồng thời cũng tái xuất tại đội tuyển Đan Mạch và góp mặt ở kỳ World Cup 2022 trên đất Qatar. Năm nay, ở tuổi 32, Eriksen hiện đang đầu quân cho Man.United và chúng ta sẽ lại thấy anh thi đấu tại Euro mùa hè này.
D - Didier Deschamps
Nếu nói rằng Didier Deschamps là một trong số những nhân vật vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Pháp, cũng chẳng ai có thể phản bác. Thời còn thi đấu, ông chính là thủ lĩnh của Les Bleus trong giai đoạn hoàng kim nhất với hai vinh quang liên tiếp là World Cup 1998 và Euro 2000.
Khi chuyển sang làm HLV và cầm quân chính đội tuyển quê hương, Deschamps cũng đã chạm tay tới đỉnh cao với chiến tích vô địch World Cup 2018. Chức vô địch này đưa Deschamps sánh ngang với Mario Zagallo và Franz Beckenbauer trên tư cách là những người vô địch thế giới với cả 2 cương vị là cầu thủ và HLV.
Điều duy nhất còn thiếu trong bảng vàng thành tích của ông chính là chức vô địch Euro trên cương vị làm thầy. Tám năm trước, Deschamps cùng các học trò đã ở rất gần nhưng rồi thất bại trước Bồ Đào Nha trong trận chung kết mà họ vốn được đánh giá cao hơn rất nhiều ngay trên sân nhà. Còn tại kỳ Euro 2020, một đội tuyển Pháp hùng mạnh lại bất ngờ để Thụy Sỹ đá văng khỏi giải đấu ngay vòng knock-out đầu tiên. Chính vì thế, năm nay chắc chắn Deschamps và các cầu thủ của mình sẽ quyết tâm hơn bao giờ hết để đoạt lấy chiếc cúp vô địch - trong kỳ Euro có thể là cuối cùng làm HLV tuyển Pháp của Deschamps
Đ - Đan Mạch
Một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu đến vào thập niên 1990. Ở kỳ Euro 1992 diễn ra tại Thụy Điển, đội tuyển đến từ quê hương của những câu chuyện cổ tích Andersen đã tự viết nên một câu chuyện cổ tích bóng đá cho riêng họ. Năm đó, đội tuyển Nam Tư đã vượt qua vòng loại nhưng không thể tham dự giải đấu do nội chiến. Và Đan Mạch chính là cái tên được lựa chọn thay thế Nam Tư ở vòng chung kết với thành tích nhì bảng 4 vòng loại (ở thời điểm đó, chỉ có 7 đội nhất bảng vòng loại và chủ nhà được tham dự vòng chung kết).
Từ một kẻ đóng thế vào giờ chót, Đan Mạch đã giành quyền vào bán kết sau khi đứng thứ 2 bảng A - một bảng đấu có sự xuất hiện của cả 2 ông lớn là Anh và Pháp. Ở trận bán kết, họ kiên cường cầm hòa đương kim vô địch Hà Lan 2-2 để kéo trận đấu vào loạt đấu súng. Tại đây, người hùng 4 năm trước của Hà Lan - tiền đạo hay nhất châu Âu thời bấy giờ, Marco van Basten là người duy nhất sút hỏng, dâng tấm vé vào chung kết cho Đan Mạch. Bước vào chung kết gặp người Đức, Peter Schmeichel cùng các đồng đội đã hoàn tất giải đấu để đời của mình bằng chiến thắng 2-0 nhờ các pha lập công của Jensen và Vifort lần lượt ở các phút 18 và 78.