Nhưng với nhiều người khác thì cảm thấy quan ngại. Ngoài lo lắng cho việc bê tông hóa, tắc đường…thì người ta dẫn trường hợp của sân Mỹ Đình để cho rằng việc xây mới sân Hàng Đẫy là thừa thãi.
Có một điểm mà nhiều người quên mất khi phản đối việc xây sân. Đó là sân Hàng Đẫy vẫn là… sân Hàng Đẫy. Nghĩa là không xây mới thì cái sân vẫn ở đấy, với chừng đó diện tích. Hiện nay, mỗi tháng sân tổ chức không quá 2 trận đấu và thi thoảng mới có 1 trận lấp đầy 25.000 chỗ ngồi. Trong bối cảnh của bóng đá Việt Nam hiện nay, cho dù sân mới có sức chứa 60.000 chỗ thì chắc có lẽ cũng chỉ chừng người đó đến sân. Các hoạt động thương mại dịch vụ khác ở cái sân mới cũng khó mà thu hút được số người đông hơn 1 trận đấu trong cùng một thời điểm, nghĩa là cũng không làm phức tạp tình hình giao thông khu vực.
Không bàn thêm về các vấn đề xã hội liên quan đến chuyện xây mới sân Hàng Đẫy, xét riêng về thể thao, đây là dự án đáng được ủng hộ bởi có thể nó sẽ tạo ra được tiền lệ tốt làm nền tảng cho sự phát triển thể thao chuyên nghiệp. Đa số các sân vận động ở Việt Nam hiện nay đều nằm trong nội đô, vị trí đắc địa, phù hợp với cảnh quan và nhu cầu dân sinh của các địa phương. Thế nhưng, lượng người sử dụng tính trên diện tích quá bé nhỏ bởi sân có quá ít công năng. Do đặc thù của thể thao Việt Nam, nếu dời các sân bóng ra ngoại ô, có khi mới thực sự là lãng phí bởi chắc chắn lượng người đến sử dụng còn ít hơn nữa.
Hơn 10 năm trước, khi đến Thượng Hải xem một trận đấu tại AFC Champions League, chúng tôi thấy bên ngoài sân người ra vào nhộn nhịp nhưng khán đài lại khá trống. Quan sát mới biết, phân nửa số người ấy đã sử dụng các dịch vụ khác trong sân như tập thể hình, nhà hàng, phòng VIP… được xây dựng dưới khán đài có tầm nhìn ra sân cỏ. Họ có thể vừa xem trận bóng, vừa làm thêm được việc khác. Tất nhiên, quyền khai thác thuộc về đội chủ sân Thân Hoa Thượng Hải.
Và đấy chính là một nguồn thu quan trọng của các CLB, vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các CĐV, tăng lượng người đến sân và thêm thời gian sử dụng dịch vụ do CLB cung cấp. Việc bầu Hiển đề xuất xây mới sân Hàng Đẫy có lẽ cũng xuất phát từ nền tảng này nhằm lấy doanh thu dịch vụ bù chi phí đầu tư cho Hà Nội FC. Nếu bầu Hiển thành công, biết đâu nhiều địa phương khác sẽ có thêm những doanh nghiệp đến với bóng đá.
Thực tế thì bóng đá Việt Nam hiện nay phát triển khá manh mún. Các doanh nghiệp tài trợ chỉ một thời gian ngắn nhằm quảng bá thương hiệu và đến thời điểm cần thiết, họ rút lui bởi bóng đá không phải là nơi đem lại tiền trực tiếp. Nhiều địa phương từng phải dùng cơ chế “đổi đất lấy… tài trợ” nhưng cũng chẳng kéo dài được lâu bởi những quyền lợi mà các doanh nghiệp có được không liên quan gì đến đội bóng nên sau thời gian, họ chỉ quan tâm đến phần đất đai được hưởng. Trong khi đó, sân vận động cứ bỏ hoang, đội bóng trầy trật tồn tại.
Trở lại câu chuyện của sân Hàng Đẫy. Với mức đầu tư khổng lồ cho sân mới (vốn chiếm phần lớn diện tích của tổ hợp) thì những doanh thu đến từ hoạt động thương mại chẳng thấm vào đâu so với việc dùng tiền đó xây một trung tâm mua sắm thực thụ. Thế nhưng, những nguồn thu “gián tiếp” ấy chính là cơ sở để doanh nghiệp có thể theo đuổi đầu tư cho bóng đá lâu dài theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Nếu chỉ xét trên góc độ thể thao, đó là cái lợi không thể đong đếm được.