Tại Olympic London 2012, thể thao Việt Nam sẽ tham gia với lực lượng đông nhất từ trước đến nay với 18 VĐV so với 13 VĐV của năm 2008, 11 của năm 2004 và 7 của năm 2000. Để có được con số ấy là nỗ lực vô cùng của cả nền thể thao suốt nhiều năm qua. 18 VĐV nói trên không phải ai cũng được dự bằng suất chính thức như của Tiến Minh (cầu lông) hay Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) mà nhiều suất phải đợi xét duyệt theo thứ tự mới đến lượt.
Có được một suất dự như vậy thật không đơn giản và phải chăng như thế mà các suất “ăn theo” để phục vụ cho 18 suất chính thức ấy lại đông một cách bất ngờ. Ngoài 18 VĐV còn có 38 thành viên khác “ăn theo”. Môn thi đấu nào cũng có lãnh đạo cộng với 1-2 HLV. Như vậy, riêng thành phần lãnh đạo đã nhiều hơn số VĐV được tham gia, trong khi đó cả đoàn chỉ có đúng 1 bác sĩ để chăm sóc. Đáng nói hơn là có những môn các VĐV hầu như đã quen thi đấu cá nhân như trường hợp Nguyễn Tiến Minh vậy mà cũng có một “lãnh đội” cộng với 1 HLV. Hoặc có những môn chỉ cần 1 HLV là đủ thì vẫn cứ “1 kèm 1” khiến cho thành phần của đoàn Việt Nam tăng số lượng không cần thiết.
Đành rằng việc chuẩn bị phải kỹ lưỡng và có nhiều người thì vẫn dễ xoay xở hơn nhưng chuyến đi này vừa xa vừa tốn kém và cũng chẳng phải môn nào cũng có khả năng đoạt huy chương. Tại sao không thể phân loại các môn cần tập trung hỗ trợ để đạt thành tích và những môn giảm thiểu nhân sự phụ trách khi cơ hội không cao để tránh cảnh “lắm thầy…”.
Hai Sài Gòn