Quả thật khó có chất nào gây ấn tượng về kiến tạo cho bằng chất vôi. Từ tảng đá kiên cố cho đến vỏ trứng mong manh, chỗ nào cũng có chất vôi. Ngay cả trong cơ thể con người, khó có khoáng tố nào đa dạng như vôi. Bằng chứng là vôi được tích trữ không chỉ trong xương, răng, mà trong mỗi tế bào. Chính vì thế mà trẻ không thể tăng trưởng bình thường nếu thiếu vôi. Đáng nói hơn nữa là sau khi được hấp thu từ thực phẩm, vôi tuy theo máu đến xương và răng nhưng lại không nằm ì thụ động như viên gạch. Sau một thời gian, vôi lại được huy động trở về dòng máu. Xương nhờ đó có cấu trúc luôn đổi mới. Nhưng mặt khác, nếu vì lý do nào đó, chẳng hạn do rối loạn nội tiết tố trong giai đoạn mãn kinh khiến vôi bị bài tiết quá nhiều trong nước tiểu, thì bệnh loãng xương có cơ thành hình với hậu quả đau xương, biến dạng khớp, dễ gãy xương… vì vôi lạnh lùng một đi không trở lại.
Vôi là thành phần không chỉ khu trú trong xương răng mà còn là nhân tố cần thiết để trấn an não bộ và xoa dịu hệ thần kinh ngoại biên. Cùng với 2 khoáng tố Natri và Kali, vôi chi phối vận tốc và chất lượng của dẫn truyền thần kinh. Mọi phản ứng quá nhạy cảm, từ lo sợ vô cớ, bước qua rầu buồn quá độ đến co giật bắp thịt đều có thể là hậu quả việc thiếu chất vôi. Chính vì thế mà vôi cần được chú trọng trong các dạng bệnh tâm thể. Bên cạnh đó, vôi là thành phần không thể vắng mặt trong chuỗi phản ứng tạo huyết và đông máu, giúp làm lành vết thương, điều hòa chức năng tự động của tim, chi phối trung khu điều khiển giấc ngủ, ổn định quân bình nội tiết tố, và tối ưu hóa hoạt tính của các men biến dưỡng.
Trong đa số trường hợp, tình trạng thiếu vôi trong mô xương thường gắn liền với sai lầm trong chế độ dinh dưỡng. Ăn đủ chất vôi, ngay cả uống sữa nhiều lần trong ngày, chưa hẳn là điều kiện để vôi được hấp thu tối đa. Uống sữa loại đắt tiền theo đúng quảng cáo vẫn có thể loãng xương như thường, nếu vôi không được hấp thu như mong muốn vì khẩu phần:
Quá nhiều chất xơ khiến vôi bị kéo theo đường bài tiết qua ngõ ruột già;
Quá nhiều Magnê và sắt. Rau muống vì thế là món đối nghịch với chất vôi;
Quá ít chất đường nên vôi không được hấp thu qua màng ruột;
Quá nhiều chất đạm gốc động vật hay Phốt-pho trong thực phẩm công nghệ khiến thận tăng bài tiết chất vôi;
Quá nhiều cà phê hay trà khiến vôi bị huy động khỏi mô xương quá nhanh;
Quá ít kẽm và Mangan như ở người ngại miệng với hải sản, mễ cốc…
Uống sữa, hay thậm chí dùng thuốc có chất vôi để phòng ngừa loãng xương mà quên các yếu tố đi kèm thì chẳng khác nào bỏ tiền xây cao ốc mà bị… rút ruột.
Góc tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng