Trong ngày 27-1 và 28-1, các Liên đoàn bóng rổ Việt Nam và Liên đoàn kickboxing Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu để bầu ban chấp hành, tìm những ứng viên giữ vai trò quản lý môn thể thao này. Đây là những Liên đoàn thể thao quốc gia tiến hành công tác tổ chức Đại hội của mình sớm nhất so với những môn khác trong năm 2024. Dự kiến thời gian tới, Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam... cũng tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ mới tại năm 2024.
Tại báo cáo về công tác chuyên môn của năm 2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ của năm 2024, Cục TDTT đã nhấn mạnh về sự phối hợp cần chặt chẽ hơn giữa các Liên đoàn, Hiệp hội của các môn với cơ quan quản lý nhà nước để làm sao cùng có một định hướng chung trong phát triển, đầu tư. Hiện tại, thể thao Việt Nam rất tập trung vào đầu tư thể thao thành tích cao với nhóm mục tiêu hướng tới đấu trường SEA Games, ASIAD hay Olympic vì thế chỉ bộ môn (Cục TDTT) sẽ không làm chu toàn công việc. Sự phối hợp làm tốt hơn chuyên môn của các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao là cần thiết.
“Cần trao quyền để các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao được thực quyền làm việc bởi tổ chức xã hội sẽ kêu gọi được nguồn lực đồng hành, và như thế sẽ có sự đầu tư thêm cho môn thể thao của chúng ta”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh đã đưa phân tích tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 (tổ chức ngày 21-12-2023). Cùng quan điểm trên, chuyên gia thể thao Lâm Quang Thành cũng nhấn mạnh “các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hoặc Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của môn tại địa phương có nhiệm vụ của mình. Vì thế, chúng ta không nên chỉ chờ đợi ở ngân sách nhà nước trong đầu tư thể thao thành tích cao mà cần để các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cùng làm nhiệm vụ để có sự phát triển tốt nhất cho môn trọng điểm”. Trong phân tích của mình, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cũng nhấn mạnh việc cần thiết về vai trò phối hợp của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia bởi trên hết mục tiêu chung chính là cùng đầu tư phát triển nâng tầm thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Thực tế, nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao đã được hình thành. Tuy vậy, khó khăn về kinh phí cũng như không có nguồn lực con người, mục tiêu cụ thể nên nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chỉ tồn tại cho...có. Sự hoạt động để tìm thêm các nguồn kinh phí xã hội hóa cho thể thao không cụ thể. Nếu làm tốt điều này, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao hoàn toàn có thể tự chủ để đầu tư xây dựng, định hướng và phát triển môn thể thao của mình thay vì trông chờ nguồn kinh phí nhà nước. Liên đoàn bóng đá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao đang làm tốt nhất điều này.
Đưa quan điểm của mình, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, hiện lúc này mô hình vận hành của các tổ chức xã hội về thể thao đã thay đổi đáng kể so với trước đây, đặc biệt là khi thế giới phát triển và vận hành bằng công nghệ số. Do vậy, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tại Việt Nam cũng nên học hỏi để có sự thay đổi theo xu hướng phát triển của thế giới.
Từng môn thể thao khi phát triển lớn mạnh, có sự quan tâm của xã hội thì cần được ra đời Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của mình. Tổ chức xã hội nghề nghiệp sẽ giải được tốt hơn bài toán kinh tế thể thao và chỉ khi có đầy đủ nguồn lực, HLV, VĐV sẽ được đầu tư thêm bằng nhiều chương trình tập huấn, thi đấu quốc tế thay vì như lúc này nhiều đội tuyển chỉ trông chờ kinh phí của nhà nước nên dự giải quốc tế nhỏ giọt.
Hai môn thể thao hiện đại được xã hội rất quan tâm ở Việt Nam đã xây dựng và hình thành Liên đoàn đó là võ thuật tổng hợp và 3 môn thể thao phối hợp (triathlon). Liên đoàn võ thuật tổng hợp việt Nam đã tổ chức giải đấu chuyên nghiệp trong 2 năm qua và thu hút sự quan tâm của người hâm mộ cũng như thu hút tài trợ đáng kể. Liên đoàn triathlon Việt Nam đã được Bộ Nội vụ thông qua quyết định thành lập và dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ lần thứ nhất đầu năm 2024.