Kinh doanh thể thao

Cách đây gần 5 năm, tại trụ sở Hội Nhà báo TPHCM, một cuộc trao đổi thân mật giữa các nhà báo thể thao với ông Ronnie Lee, Hiệu trưởng Trường Asia Pacific Sport Business về đề tài kinh doanh thể thao. Mở đầu cuộc trao đổi, ông Ronnie Lee đi thẳng vào vấn đề: “Các vận động viên (VĐV) sẽ làm gì sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu? Trên thế giới có bao nhiêu VĐV được cuộc sống đầy đủ khi kết thúc sự nghiệp?”.

Ông Ronnie Lee còn nhấn mạnh: “Các VĐV không “chết”, tuy nhiên họ sẽ tàn lụi dần theo thời gian”. Để giải quyết vấn đề này, ông Ronnie Lee đã giới thiệu một hướng đi mới cho các VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, đó chính là bước sang lĩnh vực kinh doanh thể thao.

Trường Asia Pacific Sport Business chính là nơi đầu tiên tại châu Á đào tạo các khóa học về kinh doanh thể thao cho VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Chương trình đào tạo tại học viện thể thao số 1 của Singapore này chỉ dành riêng cho những người có chuyên môn trong lĩnh vực này.

Theo quan điểm của người trình bày: Chỉ những người có chuyên môn trong lĩnh vực thể thao, mới có được đầy đủ các tố chất để điều khiển một câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Tại cuộc trò chuyện, người trình bày cũng đưa ra các số liệu thống kê cho thấy nếu chúng ta biết kết hợp thể thao và kinh doanh thì sẽ tạo lợi nhuận khổng lồ. Điển hình là CLB bóng đá Real Madrid đã thu khoản lợi 22 triệu USD chỉ tính riêng số tiền bán áo của David Beckham.

Tại buổi nói chuyện, ông Ronnie Lee nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc chúng ta cũng nên xem thể thao là một nghề kinh doanh. CLB bóng đá Manchester United rất nổi tiếng và đạt con số doanh thu cao ngất ngưởng là nhờ họ biết kết hợp giữa kinh doanh, tiếp thị và thể thao”. Ông Ronnie Lee cũng ngỏ lời sẵn sàng chuyển giao công nghệ đào tạo nếu tại Việt Nam có một học viện như thế. Nói cách khác, kinh doanh thể thao chính là một trong những lối thoát sau khi giã từ sân đấu của VĐV thể thao.

Chương trình tạo nên một hướng mở cho các VĐV khi kết thúc sự nghiệp và đã đến lúc các nhà làm thể thao Việt Nam nên nhìn nhận vấn đề làm thể thao một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá, khi mà người ta nói nhiều đến hai từ chuyên nghiệp nhưng có mấy ai hiểu hết, hiểu đầy đủ về nó? Một khi bóng đá không tự làm ra tiền, mà sống bằng sự bao cấp của các ông bầu thì chưa thể nói nền bóng đá đó là chuyên nghiệp. 

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục