Olympic Tokyo 2020 dự định diễn ra từ ngày 24-7 đến 9-8. Dự kiến sự kiện sẽ có hơn 11.000 VĐV tham dự, đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên lúc này, Olympic 2020 đang đứng trước thách thức lớn khi dịch bệnh do Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới.
IOC ngồi trên đống lửa
Theo quy định, IOC có quyền hủy bỏ quyền tổ chức Olympic khỏi Tokyo nếu “sự an toàn của những người tham gia bị đeo dọa nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Chủ tịch IOC Thomas Bach nói với AFP rằng vấn đề này chưa được xem xét.
Trong lịch sử chưa bao giờ Olympic bị hủy bỏ bởi dịch bệnh. Năm 1916, sự kiện không diễn ra do Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tương tự là các kỳ Olympic mùa hè và mùa đông các năm 1940, 1944 gián đoạn do Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Olympic 2004 ở Athens (Hy Lạp) vẫn diễn ra bình thường dù virus SARS gây nên đại dịch các năm 2002-2003. Hay cách đây 4 năm, nhiều người lo ngại virus Zika sẽ làm khó Olympic Rio. Nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn ổn.
Một khả năng khác là tạm hoãn Olympic 2020. Để có thể ra quyết định này, IOC cần ít nhất 2/3 số phiếu bầu từ các thành viên. Trên thực tế, việc điều chỉnh lại lịch thi đấu sẽ cực kỳ khó khăn trong bối cảnh các sự kiện thể thao đã kín mít lịch như hiện nay, đặc biệt với các môn phổ biến như bóng đá, bóng rổ, quần vợt.
Đến nay, Đoàn Thể thao Việt Nam đã có 5 VĐV giành quyền dự Olympic Tokyo 2020 gồm: Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Văn Đương (boxing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung). Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu có 20 suất tham dự sự kiện này. |
Các căn hộ trong Làng VĐV ở Tokyo cũng đã được bán kết ngay khi Paralympic kết thúc. Nếu sự kiện bị dời lại, Nhật Bản sẽ lấy nơi nào để làm chỗ lưu trú cho VĐV, chưa kể các quan chức, HLV?
Ý tưởng về việc không cho khán giả vào sân xem các sự kiện cũng được cho không khả thi, và sẽ đội chi phí lên gấp nhiều lần. Lúc này, BTC Olympic 2020 đã bán hơn 4,5 triệu vé để vào xem các VĐV tranh tài.
Nhìn chung, IOC đang ngồi trên đống lửa. Họ chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về việc hủy bỏ hay hoãn Olympic 2020. Họ có niềm tin sẽ cùng Nhật Bản tổ chức thành công sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này.
Nhật Bản không có kế hoạch B
Quốc gia Đông Á cũng không có kịch bản khác cho sự kiện chỉ 4 năm diễn ra một lần này. “Sẽ không có chút thay đổi nào trong kế hoạch tổ chức Thế vận hội”, Katsura Enyo – Phó tổng giám đốc Văn phòng chuẩn bị cho Olympic 2020 nói với Reuters.
Nhật Bản đã chuẩn bị trong nhiều năm và đầu tư hơn 12 tỷ USD cho Olympic 2020. Chỉ riêng việc xây dựng SVĐ Quốc gia đã ngốn ngân sách hơn 1,42 tỷ USD. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt kỳ vọng sự kiện sẽ thúc đẩy lớn về du lịch, tạo nền tảng cho kế hoạch kinh tế của mình.
Chính vì thế, Nhật Bản đã phản ứng rất gay gắt trước đề nghị của một ứng viên tranh chức Thị trưởng London rằng, thành phố chủ nhà của Olympic 2012 có thể đăng cai sự kiện khi Tokyo bị huỷ bỏ.
Quốc gia này cũng hạn chế tối đa số người đến Athens (Hy Lạp) dự Lê rước đuốc. Chỉ có chừng 100 người dự sự kiện này và lần đầu tiên trong lịch sử nó không có khán giả tham dự.