Những ngày tranh tài của Hội thi thể thao - văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần 4-2010 đã khép lại. Có những VĐV ra về với những vòng nguyệt quế trên cổ, nhưng cũng không ít người rời cuộc chơi mà không có lấy một tấm huy chương. Mặc dù vậy, tất cả những VĐV, những diễn viên tham gia hội thi đều có quyền tự hào là đã vượt qua chính mình.
Hơn 800 VĐV, diễn viên đã tề tựu về thành phố Đà Nẵng tham dự hội thi với những hoàn cảnh rất khác nhau. Có những người là thương binh trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, có người do bệnh tật và cũng có người do tai nạn cướp đi một phần thân thể của mình. Nhưng tựu trung lại, họ đều là những người gặp bất hạnh trong cuộc sống, nhưng vẫn vươn lên, hòa nhập với xã hội và hội thi lần này là dịp để mọi người được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Thế nên, những ngày qua, tại các điểm thi đấu điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cầu lông, cử tạ... lúc nào cũng sôi động và đầy ắp tiếng cười đùa.
Tại hội thi đã khiến nhiều người phải vô cùng xúc động trước những tâm sự của kình ngư Nguyễn Văn Tư (Đà Nẵng) sau khi nhận huy chương. Bị cụt 1 tay và 1 chân, nhưng anh vẫn thi đấu xuất sắc, đoạt 3 HCV môn bơi. Anh Tư hào hứng cho biết, đây là lần thứ 2 anh tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, được giao lưu với nhiều bạn bè có cùng chung cảnh ngộ, anh cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Sau giải đấu, trở về với cuộc sống thường nhật bằng công việc bán vé số dạo ở thành phố Đà Nẵng kiếm tiền lo cho vợ con, nhưng trong anh vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về hội thi, và ước mơ được cống hiến công sức cho đội tuyển bơi lội khuyết tật quốc gia Việt Nam.
Với những VĐV, diễn viên là thương binh thì những ngày cuối tháng 7 này lại càng có ý nghĩa. VĐV bóng bàn Phan Thành Chơn (62 tuổi, TP Đà Nẵng) là 1 trong số 36 thương binh tham gia thi đấu đã tự tin khẳng định, từ năm 1999 đến nay, anh thường xuyên tập luyện môn bóng bàn để rèn luyện sức khỏe và dự tất cả các giải đấu dành cho người khuyết tật.
Dù thành tích đạt được không cao, nhưng anh không hề thất vọng bởi điều quan trọng nhất với anh là được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến những tấm gương vượt khó, chiến thắng bệnh tật, chiến thắng bản thân.
Anh Chơn bảo, anh có ấn tượng mạnh với tay vợt Nguyễn Xuân Năng của đoàn Thanh Hóa. Chiến tranh đã cướp đi của Năng 2 bàn tay, nhưng không thể ngăn cản được anh Năng đến với thể thao. Ban đầu là dùng dây cột vợt vào tay để thi đấu, chơi được một lúc thì máu không lưu thông, về sau phải tập kẹp vợt vào khuỷu tay. Có những lúc, do vận động quá sức, anh Năng đau đớn gần như ngất đi, nhưng sau đó tỉnh lại vẫn tiếp tục cắn răng luyện tập tiếp. Hội thi lần nào cũng vậy, anh Năng đều thi đấu hết mình, đạt thành tích cao, và là trụ cột của đội tuyển bóng bàn người khuyết tật Việt Nam.
o0o
Cũng như các VĐV tham gia tranh tài trong các môn thể thao, các diễn viên tham gia biểu diễn văn nghệ tại Hội thi cũng để lại những dấu ấn rất tốt đẹp trong lòng người dân Đà Nẵng. Diễn viên Nguyễn Bá An đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt khi trình diễn ca khúc Vững bước do anh tự sáng tác bằng cả trái tim, ước mơ, hoài bão và khát vọng vươn lên của chính mình. Và còn nhiều, rất nhiều những tấm gương VĐV, diễn viên đã vượt qua nghịch cảnh để cống hiến cho đời tài năng và nhiệt huyết của mình. Chính điều đó đã khiến cho khán giả, cổ động viên và các tình nguyện viên không khỏi xúc động, đồng thời cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với cuộc sống.
Bạn Bùi Thị Thiên Sinh (21 tuổi), sinh viên năm 3, khoa tiếng Anh thương mại (Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch) không giấu được xúc động kể, có tận mắt chứng kiến VĐV khuyết tật thi đấu thể thao mới thấy hết được ý chí tuyệt vời và nỗ lực phi thường của họ. “Em không tin vào mắt mình khi thấy VĐV cụt 2 bàn tay chơi bóng bàn rất giỏi. Hay có những VĐV bơi lội cụt 2 chân vẫn thi đấu xuất sắc. Những ngày phục vụ ở sân thi đấu bóng bàn và bể bơi, lúc nào em cũng thấy nụ cười thường trực trên môi các VĐV. Họ lạc quan, yêu đời, vượt qua số phận nghiệt ngã để khẳng định mình. Trong cuộc sống thường nhật, những lúc gặp chuyện rắc rối, khó khăn có thể bạn chùn bước, nhưng qua hội thi này, những VĐV khuyết tật đã dạy cho em hiểu thế nào là nghị lực, ý chí vượt khó để chiến thắng bản thân”, Biên tâm sự.
Phát biểu tại đêm bế mạc, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đồng Trưởng BTC nhấn mạnh: “Họ là những người đã vượt lên muôn vàn khó khăn trong hoàn cảnh cá nhân và cuộc sống để sống có ích hơn. Tất cả các VĐV, diễn viên tham gia hội thi đều là những người chiến thắng!”.
Không bao giờ có người thất bại khi đã nỗ lực vượt qua chính mình! Đó cũng chính là thông điệp của Hội thi thể thao - văn nghệ ngưòi khuyết tật toàn quốc lần 4- 2010 gửi đến tất cả mọi người trong Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 này.
HẢI NAM
TPHCM NHẤT TOÀN ĐOÀN Sau 5 ngày tranh tài sôi nổi, Hội thi thể thao - văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần 5-2010 đã bế mạc vào tối 25-7 tại Đà Nẵng. Kết quả cuối cùng, đoàn TPHCM xuất sắc đứng đầu với 254 HCV, 160 HCB, 78 HCĐ. Đoàn Hà Nội xếp vị trí thứ hai (124 HCV, 61 HCB, 36 HCĐ), vị trí thứ 3 thuộc về đoàn Quảng Trị (33 HCV, 29 HCB, 8 HCĐ). Chỉ kém đoàn Quảng Trị đúng 1 HCV, chủ nhà Đà Nẵng đành ngậm ngùi xếp thứ 4 với 32 HCV, 44 HCB, 29 HCĐ. Tại hội thi đã có 3 VĐV phá kỷ lục Fespic Games (Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương) gồm: Trịnh Công Luận, Nguyễn Anh Tuấn (môn điền kinh), Nguyễn Thị Sa Ry (bơi lội) và 27 lượt VĐV phá kỷ lục Paragames (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á). H.NAM |