Khi trọng tài tự bắn mình

Mùa giải 2015 không nổi lên những vụ như “bàn thắng ma” hay “bẻ còi” gây lùm xùm như các mùa trước, tuy nhiên, việc BTC tiếp tục mời các trọng tài ngoại (lần này có cả Malaysia) sang thổi những trận đinh một lần nữa cho thấy giới cầm còi Việt vẫn đang là một vết đen trong mắt của làng bóng.

Mùa giải 2015 không nổi lên những vụ như “bàn thắng ma” hay “bẻ còi” gây lùm xùm như các mùa trước, tuy nhiên, việc BTC tiếp tục mời các trọng tài ngoại (lần này có cả Malaysia) sang thổi những trận đinh một lần nữa cho thấy giới cầm còi Việt vẫn đang là một vết đen trong mắt của làng bóng.

Trong mùa giải này, trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng có đến 3 lần bị “bêu tên”.

Chẳng biết trông cậy vào ai?

Riêng trong mùa giải này, trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng có đến 3 lần bị “bêu tên”, điều đáng nói là hết 2 lần, đều là lỗi chuyên môn lẽ ra không nên có ở một người nhiều kinh nghiệm như ông Dũng.

Ví dụ như trong trận Hải Phòng - Than Quảng Ninh, ông này mắc lỗi đã phạt cầu thủ 2 thẻ vàng nhưng không rút thẻ đỏ để truất quyền thi đấu. Bàn thắng bị việt vị nhưng vẫn công nhận (sau đó có sửa sai) chỉ vì không nhìn trợ lý biên. Ông Dũng chính là người đã phạt thẻ vàng trong pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải, người mà sau đó đã nhận một án phạt rất nặng vì hành động bạo lực. Rõ ràng, đấy đều là những lỗi mang tính nghiệp vụ rất nặng, thường chỉ rơi vào các trọng tài trẻ chứ không có tính hệ thống như ông Dũng, người mà còn được AFC mời thổi các trận quốc tế.

“Già” đã như vậy, huống hồ gì trẻ. Trọng tài Trần Đình Thịnh chỉ vừa được đôn lên thổi V-League ở mùa này dù năm 2013, ông còn cầm còi ở giải… U.17 quốc gia. Thổi chính tại V-League 11 trận thì hết 4 trận ông Thịnh đã “có chuyện”. Tiêu biểu như HLV Lê Huỳnh Đức tuyên bố ‘từ” ông Thịnh sau trận thua HA.GL, rồi HLV Võ Đình Tân bị cấm chỉ đạo vì cho rằng ông Thịnh thiên vị đội chủ nhà ĐT.LA. Chính ông Thịnh là người cầm còi trận đấu bạo lực nhất mùa bóng giữa Than Quảng Ninh và Hải Phòng với 7 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ. Người ta còn nhớ đến ông Thịnh ở pha bóng bị HA.GL phản ứng tại tứ kết Cúp Quốc gia với HN T&T.

Không thể lấy những chi tiết để đánh giá công  việc của một trọng tài ở cả mùa giải, tuy nhiên, việc một đội bóng “hiền” như HA.GL mà đến 3 lần phản ứng trọng tài thì có thể nói, chất lượng trọng tài Việt không hề tăng lên. Từ già đến trẻ đều mắc sai sót, chưa đến mức tác động đến kết quả thi đấu nhưng lại bị mất điểm trong mắt của các CLB.

Thua trên sân nhà

Dù đánh giá công tác trọng tài không có vấn đề lớn nhưng việc Hội đồng Trọng tài đồng ý với BTC mời trọng tài ngoại sang thổi các trận đinh là một sự mâu thuẫn lớn. Chính đại diện CLB như bầu Hiển còn khẳng định trọng tài ngoại chẳng hơn trọng tài nội thì lẽ ra, những người quản lý cần có tiếng nói mạnh mẽ đối với BTC nhằm tránh cho người làm nghề bị mang tiếng xấu là “thiếu năng lực”.

Ở đây, cần phải thấy là bản thân giới trọng tài Việt Nam cũng “sợ” chính mình. Nghề trọng tài, tiêu chí quan trọng nhất là bản lĩnh, là niềm tin vào khả năng của mình, để vững vàng trên sân cỏ. Thế nhưng, khi trọng tài Malaysia sang thổi 1 trận cỡ như Đồng Nai - HA.GL thì chẳng thấy ai lên tiếng “‘tự ái” cho công việc của mình. Tầm trận cầu cuối bảng như thế mà còn phải nhờ đến người ngoài thì thật khó hiểu.

Một chi tiết khác cho thấy bản thân giới trọng tài cũng có vấn đề đó là 2 trường hợp phạt thẻ ở 2 vụ phạm lỗi gây chấn thương nặng. Trọng tài Phùng Đình Dũng có lý khi rút thẻ vàng thay vì thẻ đỏ đối với Quế Ngọc Hải bởi tình huống đó là truy cản trước mặt. Việc phạt “nguội” Ngọc Hải là xét trên hành vi cũng như tình trạng chấn thương sau trận đấu. Tuy nhiên, vì án phạt đó mà lại phạt luôn trọng tài Dũng là không ổn bởi dù sao, đó cũng là lỗi nhận định trên sân có thể lý giải được. Rõ ràng, Hội đồng Trọng tài cũng đã có những thái độ “tát nước theo mưa” thay vì nhìn nhận theo góc độ nghiệp vụ của giới mình. Trong một hoàn cảnh như vậy, các trọng tài cũng thiếu sự bảo vệ từ chính người nhà, thế nên nếu có cảm thấy bị “xúc phạm” vì việc mời trọng tài ngoại, họ đã chọn cách im lặng.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục