Đôi khi, họ chỉ chào nhau thật trang trọng theo đúng tinh thần kiếm thuật rồi… hạ kiếm xuống trong suốt hiệp đấu. Nhưng đấu kiếm lại không có quy tắc - luật lệ để thay đổi chuyện đó. Môn đấu kiếm có phần nào đó hơi tương đương với môn bóng rổ, nhưng lại không có đồng hồ đếm ngược thời gian, để quản lý thời lượng của các trận đấu: Khi trận đấu bị gián đoạn, đồng hồ sẽ dừng lại, chỉ vào con số thời gian cuối cùng, và sẽ tiếp tục đếm nếu trận đấu tiếp diễn.
Mức độ nghiêm trọng, nhưng không kém phần hài hước trong việc tuân thủ kỷ luật thi đấu của nội dung thi đấu kiếm ba cạnh đã được Liên đoàn đấu kiếm quốc tế (FIE) tính toán và đưa ra giải pháp để khắc chế. Đó là điều luật - quy tắc: “Không sẵn lòng thi đấu”. Thế vận hội tại Tokyo chính là kỳ Olympic đầu tiên áp dụng quy định này, phạt những kiếm sĩ không thực tâm thi đấu trên sàn đấu kiếm, dù điều luật này đã được thông qua từ năm 2019.
Giới chuyên môn, những người sống và thở hơi thở của kiếm thuật thời hiện đại cùng hân hoan chào đón việc áp dụng điều luật - quy định này vào Thế vận hội kể từ năm nay. Theo họ, đây không chỉ là “thay đổi mang tính địa chấn trong môn đấu kiếm”, nó còn giúp hồi sinh cho môn thể thao dụng “lợi khí” để thi đấu và thủ thắng bằng sự sắc bén của đầu kiếm, nhưng lại trở nên cùn nhụt và buồn tẻ một cách đau đớn suốt thời gian vừa qua.
Sự thay đổi này đã giúp cho môn thể thao có truyền thống lâu đời nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Olympic hiện đại (đấu kiếm cùng với bơi lội, điền kinh, đua xe đạp, thể dục dụng cụ, bắn súng, quần vợt, cử tạ và vật Hy-La là những môn thể thao đầu tiên xuất hiện ở kỳ Olympic đầu tiên năm 1896) - vốn thường bị xem là “chướng mắt”, trở thành những màn đấu kiếm mờ ảo chóng mặt, mang hơi thở của đấu kiếm trời trung cổ!
Romain Cannone, kiếm sĩ người Pháp giành HCV nội dung kiếm ba cạnh cá nhân ở kỳ Olympic Tokyo 2020 sau chiến thắng có điểm số 15-10 trước Gergely Siklosi (“sư đệ” của “Kiếm vương” Aron Szilagyi), cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng làm cho môn đấu kiếm trở nên thú vị hơn. Khi một kiếm sĩ, đến cuối cùng vẫn không làm ra bất kỳ hành động gì, như vậy không thật sự thể hiện được tinh thần của kiếm thuật”.
Đối với “Không sẵn lòng thi đấu”, điều luật này áp dụng cho cả 3 nội dung thi đấu của đấu kiếm là kiếm liễu, kiếm chém và kiếm ba cạnh, nhưng được áp dụng nhiều nhất trong khiếm ba cạnh, nội dung thi đấu sử dụng “lợi khí” được đánh giá là chậm nhất trong số các loại kiếm. Kiếm ba cạnh là loại kiếm nặng nhất, do vậy, việc dụng kiếm và ghi điểm là khó khăn hơn rất nhiều so với 2 loại kiếm còn lại. Đó là lý do, các trận đấu mang tính phòng ngự, “thủ để không thua trước” rất cao. Và các kiếm thủ, theo trào lưu, đã trở thành kiếm thủ toàn dụng “kiếm thủ”.
Hồi hai thập kỷ trước, một kiếm thủ người Hungary tên Ivan Kovacs đã đối mặt với một đối thủ người Estonia tên Meelis Loit trong trận chung kết đồng đội nội dung kiếm ba cạnh ở Giải đấu kiếm vô địch thế giới 2001 đã phản ánh không gì khác hơn rằng: Tương lai của môn thể thao này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Khi mà vị thế của đấu kiếm tại Olympic đang bị đặt lên bàn nghị luận, BTC đã mời Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế đến xem trận đấu chung kết, như một cách “thưởng lãm” và có cái nhìn khác về đấu kiếm thời hiện đại...
Nhưng điều xảy ra hoàn toàn phản tác dụng. Trận đấu giữa Kovacs và Loit trở thành một trò hề không hơn không kém. Khi Kovacs đang dẫn trước với điểm số 4-3, Loit bất ngờ quyết định rút lui về phía sau và không tiếp tục công kích. Thuận theo tự nhiên, vì “kiếm thuật vốn dĩ là nước chảy mây trôi”, kiếm sĩ người Hungagy (từng giành HCB ở Olympic Barcelona 1992 và sau này giành thêm HCB nội dung kiếm ba cạnh đồng đội tại Olympic Athens 2004) cũng không tiếp tục tấn công, hạ mũi kiếm xuống. Cả 2 đứng bất động đối diện nhau trong 4 phút.
Trận đấu kết thúc với chiến thắng cuối cùng thuộc về đội tuyển đấu kiếm Hungary. Nhưng nó là một sự sỉ nhục cho tinh thần "kiếm thuật". Nhưng chuyện này không phải lần đầu tiên xảy ra. Cũng không phải là lần cuối cùng. Dù vậy, trước sự chứng kiến của Chủ tịch IOC và “bàn dân thiên hạ”, đây không khác gì “một cú đâm lén phía sau lưng” vào môn đấu kiếm quý tộc giàu truyền thống nhưng có vẻ đã không còn theo kịp bước tiến của thời hiện đại.
HLV đội tuyển đấu kiếm Mỹ, ông Kornel Udvarhelyi chia sẻ sau khi chứng kiến “trò hề” của trận chung kết: “Theo đúng nghĩa đen, những gã kiếm thủ này không hề đấu kiếm. Và do vậy, chẳng có gì cho khán giả xem cả”. FIE đã cố gắng “cù cưa” sau sự việc đáng xấu hổ đó, bằng hàng loạt thay đổi, nhưng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Một điều luật “thụ động” được áp dụng là phạt… thẻ vàng (cứ như trong bóng đá vậy) với kiếm thủ không quyết liệt thi đấu. Thậm chí cảnh báo bằng một… thẻ đỏ tiếp theo, với một cú chạm kiếm của đối thủ vào người. Nhưng cũng không giải quyết được vấn đề…
Điều luật “Không sẵn lòng thi đấu” được FIE đưa ra vào tháng 2-2019 đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Điều luật này quy định cụ thể về việc “phạt thẻ vàng và thẻ đỏ cho đối tượng nào” và hành động phạt thẻ đó được áp dụng liên tục cứ môi phút trôi qua. Cụ thể, cứ mỗi phút trôi qua mà không có điểm số nào được ghi, thì thẻ vàng sẽ được rút ra, phạt về phía kiếm thủ đang bị dẫn điểm. Hành động lặp lại điều đó sẽ bị phạt thẻ đỏ. Cách phạt đó buộc các kiếm thủ bị dẫn điểm phải tấn công quyết liệt để san bằng điểm số, thậm chí vượt lên, và đẩy đối thủ đối diện vào hiểm cảnh: cũng bị phạt điểm. Điều luật này đã thay đổi hoàn toàn hệ thống đấu kiếm hiện đại, thay đổi hoàn toàn động lực và sự khuyến khích của cả 2 bên.
“Chiếc hộp tử thần của người Nga”, là điều luật đấu kiếm cải tiến do Liên đoàn đấu kiếm Nga đề xuất. Với điều luật này, hai kiếm thủ đứng cách nhau khoảng 4 mét, chân trước phải đặt ngay trên đường biên sàn đấu kiếm (nghĩa là toàn thân của kiếm thủ này đang đứng bên ngoài sàn đấu kiếm). Đối với nội dung kiếm chém, các trọng tài sẽ đặt hai kiếm thủ vào sàn đấu kiếm sao cho chân sau của họ chỉ cách đường trung tâm sàn đấu khoảng 2 mét. Theo “sự khôn ngoan vô hạn” của Liên đoàn đấu kiếm Nga, trận đấu sẽ thú vị hơn nếu các kiếm thủ phải bắt đầu tranh tài mà… không có nhiều khoảng trống để di chuyển. Ý tưởng được miêu tả là: "Thật điên rồ! |