Intel thông minh hóa vạn vật

Ngày 11-12, trong buổi đánh giá sơ bộ hiệu quả hoạt động năm 2014 tại TPHCM, lãnh đạo Intel Việt Nam nhận định, năm nay, khu vực châu Á- Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ) một lần nữa được đánh giá là "động lực" của sự thay đổi công nghệ và những đổi mới từ các thiết bị di động đến cơ sở hạ tầng CNTT. Trong quý 3, hơn 30 triệu máy tính bảng sử dụng bộ vi xử lý Intel đã được tiêu thụ trên toàn cầu. Nhân kỷ niệm 20 năm Bộ vi xử lý Pentium, Intel giới thiệu chipset Intel 9 Series dành cho Haswell, Haswell Refresh, Broadwell và bộ vi xử lý Intel Pentium G3258 được thiết kế dựa trên nền tảng vi kiến trúc Haswell, khả năng ép xung linh hoạt không kém những chip Haswell dòng “K” tầm trung và cao cấp... Tại Hội nghị các thiết bị điện tử (IFA) 2014 diễn ra ở Đức, Intel cũng trình làng Bộ vi xử lý mới Core M dành cho thiết bị di động- đánh dấu lần đầu Intel đưa dòng CPU Core mạnh mẽ vốn chỉ dành cho desktop và laptop vào thiết bị di động. Bộ vi xử lý Core M được sản xuất với công nghệ 14nm dựa trên nền tảng vi kiến trúc Broadwell, có khả năng chạy tối ưu trong các thiết bị di động nhỏ gọn mà không cần quạt hỗ trợ. Các hiệu suất của Intel Core M đều vượt trội so với bộ vi xử lý Core thế hệ thứ 4 Haswell (tính toán nhanh hơn 50%, đồ họa nhanh hơn 40%).

Ông Trần Đức Trung chia sẻ định hướng hoạt động của Intel trong năm 2015.

Năm 2014 cũng cho thấy chúng ta thích sử dụng các thiết bị đeo được, điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính cá nhân - được kết nối mượt mà và tự động đồng bộ với nhau. Intel thúc đẩy xu hướng này với các công nghệ và thiết bị như RealSense kết nối không dây thật sự (true no-wire experience), ActiveIRIS; hợp tác chiến lược với Fossil Group, Opening Ceremony, SMS Audio LLC… Nhằm thúc đẩy sự phát triển của Internet vạn vật (IoT), Intel đã cùng Atmel, Broadcom, Dell, Samsung Electronics và Wind River lập Hiệp hội Kết nối mở (OIC) tập trung vào việc cải thiện khả năng tương tác và xác định các yêu cầu kết nối cho hàng tỷ thiết bị cũng như xác định một khuôn khổ truyền thông phổ biến dựa trên các công nghệ tiêu chuẩn để kết nối không dây và quản lý một cách thông minh lưu lượng thông tin trong các máy tính cá nhân và các thiết bị IoT mới nổi, trên mọi hình thức, hệ điều hành và nhà cung cấp dịch vụ... Trong lĩnh vực Big Data, Intel cũng đã giới thiệu Bộ vi xử lý Intel Xeon E7 v2, họ bộ vi xử lý Intel Xeon processor E5-2600/1600 v3. Hiện nay, 81% của tốp 500 siêu máy tính trên thế giới sử dụng bộ vi xử lý Intel.

Ở thị trường Việt Nam, theo dự báo của IDC, trong năm 2014, tổng số máy tính bán ra khoảng 2,1 triệu chiếc. Năm 2014 còn chứng kiến một bước tiến vượt bậc của Intel tại Việt Nam khi nhà máy Intel Products Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) giới thiệu CPU Haswell “sản xuất tại Việt Nam” đầu tiên. Qua đó góp phần chứng minh khả năng của nguồn nhân lực cùng tiềm năng phát triển trong lĩnh vực sản xuất công nghệ tại đây, thu hút sự chú ý và nguồn vốn đầu tư quốc tế, đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa các nhà cung ứng thiết bị và linh kiện cho sản xuất cũng như tạo điều kiện phát triển cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Sau 4 năm hoạt động, đến nay, Nhà máy Intel Products Việt Nam đã lắp ráp và kiểm định hơn 300 triệu đơn vị vi xử lý.

Intel Việt Nam giới thiệu Computer Stick, sẽ được ra mắt năm 2015.

Intel cũng đưa ra các dự đoán xu hướng công nghệ cũng như lộ trình hoạt động của hãng với việc đầu năm 2015 ra mắt Compute Stick tại Việt Nam - thế hệ mới của desktop với kích thước siêu nhỏ - chỉ bằng thiết bị lưu trữ dạng USB gắn ngoài, với các bộ vi xử lý Intel Atom Quad-Core. Bạn có thể chuyển đổi các màn hình lớn (tivi/ màn hình) thành các thiết bị điện toán.

Intel cho rằng, năm 2015 sẽ khởi đầu kỷ nguyên điện toán “Phi màn hình”, nơi sức mạnh tính toán sẽ nằm trong các đối tượng xung quanh chúng ta, như đồng hồ thông minh và các thiết bị gia dụng kết nối. Một số máy tính mới nhỏ hơn chiếm chỗ tương tự như một giá đựng CD hoặc có thể được treo phía sau tivi, đặt trên ghế, trong bếp hay được xem như một trung tâm giải trí đa phương tiện (NUC/Mini PCs, pAIO, Mini Towers…).

Ngoài ra, trong tương lai các camera 3D sẽ mở ra một phương thức hoàn toàn mới để tương tác với các thiết bị. Các trải nghiệm như hội thoại video sẽ được nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới trong khi trang web sẽ thực sự hoạt động hiệu quả như một mục lục sống động.

Ông Trần Đức Trung, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, kết luận: Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên của công nghệ điện toán được xác định không phải bởi thiết bị mà bởi cách thức tích hợp công nghệ vào lối sống của con người. “Internet vạn vật” đang biến đổi thế giới, từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục, từ cách thức bán hàng đến quy trình sản xuất.

LONG THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục