Intel hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đến nay, những đầu tư hiệu quả của Intel Việt Nam đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và Việt Nam. Đơn cử, trong năm 2014, công ty đã cử 105 kỹ sư Việt Nam sang đào tạo tại nhà máy ở Malaysia, hơn 1.000 nhân viên cũng thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng.

Intel đã và đang làm việc với các trường đào tạo kỹ thuật trong cả nước trong dự án liên kết đào tạo. Có thể kể đến Chương trình Hợp tác giáo dục đại học ngành kỹ thuật (Higher Engineering Education Alliance - HEEAP) giai đoạn 2009-2017 trong quan hệ đối tác với Bộ GD-ĐT Việt Nam; Chương trình Học bổng du học của Intel tại Việt Nam (2009-2014) cho 73 sinh viên du học thêm 2 năm tại Đại học Portland State, Mỹ. Kể từ năm 2008, Intel đã trao khoảng 1.350 suất học bổng hỗ trợ sinh viên hàng năm. Các học bổng này tập trung giúp sinh viên nâng cao trình độ tiếng Anh cũng như kỹ năng mềm.

 

Intel Việt Nam là nhà máy đầu tiên ở châu Á xây dựng hệ thống hoạt động năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 1,1 triệu USD, tạo ra khoảng 30% điện năng sử dụng trong các tòa nhà văn phòng và làm giảm đáng kể 221.300kg lượng khí thải CO2 hàng năm. Vào tháng 3-2014, Intel Việt Nam ra mắt Hệ thống Cải thiện tình trạng nước, tái chế 100% nước thải công nghiệp của công ty, giúp tiết kiệm trung bình 200m³ nước/ngày.

 

Chương trình Intel Teach phối hợp với Bộ GD-ĐT và 8 trường đại học sư phạm đào tạo hơn 110.000 giáo viên đến từ 26 tỉnh, thành phố. Website trực tuyến dành cho cộng đồng giáo viên (www.dayhocintel.net) là diễn đàn lớn nhất, trong đó có hơn 20.700 thành viên tham gia, thu hút trung bình 45.000 lượt truy cập/ngày và đã tăng lên hơn 62 triệu lượt truy cập trong vòng 5 năm qua. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì Intel Teach như nội dung chính thức nằm trong kế hoạch chiến lược học thuật cho năm thứ 4 liên tiếp. Intel cũng trao 41 học bổng Thạc sĩ Kỹ thuật tại Đại học RMIT Việt Nam 2010-2014.

Trong khi đó, Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế của Intel (Intel ISEF) được Bộ GD-ĐT nâng lên tầm quốc gia như giải thưởng Olympic quốc tế; Chương trình Phổ cập tin học cộng đồng (Intel Easy Steps) hợp tác với Tập đoàn Truyền hình Việt Nam (VTC) và Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) thu hút hàng triệu khán giả.

Các dự án đào tạo này thực chất không chỉ đơn thuần nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho Intel mà còn để thực hiện cam kết của Intel dành cho Việt Nam là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố góp phần vào sự ổn định của kế hoạch đầu tư lâu dài và giúp Việt Nam thu hút thêm những nhà đầu tư công nghệ khác.

Intel Việt Nam hiện có hơn 1.000 nhân viên làm việc tại khâu lắp ráp, kiểm định và đóng gói chipset mới nhất cho các thiết bị di động hoặc máy tính xách tay. Nếu như cách đây 1 năm Intel Việt Nam được Tập đoàn Intel cho phép sản xuất các dòng SOC (System-on-a-chip) công nghệ mới và phức tạp nhằm hỗ trợ các nhu cầu thị trường máy tính bảng toàn cầu, thì tháng 7 qua, Intel Việt Nam đã mở rộng sản xuất, cho ra đời dòng CPU thế hệ mới nhất dành cho desktop.

Tháng 5-2014, 2 sinh viên năm cuối ngành điện tử tại Đại học Portland State (PSU) đã giành vị trí thứ 2 cho 2 dự án SAFE (Situational Awareness Fault‐Finder Extension), một thiết bị thông minh giúp người đi xe đạp và xe máy nhận thức được mối nguy hiểm trên đường bằng cách phát hiện các mối đe dọa sắp xảy- tín hiệu sẽ được truyền đến các trình điều khiển thông qua một tai nghe và FSAT (Fitness Self-Assessment Tool) - một thiết bị giúp đánh giá và xác định các điểm yếu về thể chất của khách hàng và đề xuất các bài tập thích hợp.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục