Ông Tuấn cũng từng dẫn dắt Khánh Hòa vài mùa giải trước khi đội này giải thể và chuyển giao cho Hải Phòng năm 2014. Thế nhưng thật bất ngờ khi ông Tuấn “rẽ ngang”, bỏ công việc cầm quân để sang châu Âu học bằng huấn luyện viên cao cấp và về Việt Nam... làm bóng đá trẻ.
Cho đến thời điểm này, hiếm có cầu thủ nào cùng thời với ông Tuấn chuyên tâm đào tạo trẻ, bởi xét về tuổi đời lẫn tuổi nghề thì họ đều ở độ chín để cầm quân tại các câu lạc bộ hoặc đảm nhiệm các vai trò quan trọng hơn.
Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn luôn tạo nên những thành công cho bóng đá trẻ Việt Nam. Ảnh: P.MINH |
Có lẽ mọi thứ bắt đầu khi ông Tuấn đưa đội U21 Khánh Hòa vô địch giải U21 quốc gia năm 2007. Sau thời gian làm việc trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, ông Tuấn thừa nhận mình “không hợp” và công việc đó cũng không thỏa mãn những kiến thức mà ông tự bỏ tiền đi học ở châu Âu.
Năm 2015, ông bắt đầu huấn luyện đội U19 Việt Nam. Một năm sau, ông cùng các học trò tạo ra kỳ tích giành vé dự U20 World Cup. Một năm sau nữa, ông tiếp tục cùng U19 Việt Nam dự vòng chung kết U19 châu Á trước khi từ chức vì áp lực sau thất bại ở giải U18 Đông Nam Á 2019.
Nhưng huấn luyện viên 54 tuổi người Khánh Hòa vẫn âm thầm làm bóng đá trẻ. Không còn nắm đội U thì ông sang Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF làm Trưởng ban huấn luyện, trước thời điểm ông Philippe Troussier đến đây. Sau đó, ông sang Câu lạc bộ Phù Đổng làm Giám đốc kỹ thuật, cũng liên quan đến việc đào tạo trẻ. Đầu năm 2022, ông Tuấn quay về với công tác huấn luyện khi dẫn đội U17 Việt Nam sang Đức tập huấn và có nhiều trận đấu thành công.
Đây chính là lứa cầu thủ được “ươm mầm” cho mục tiêu World Cup 2030. Và khi cần một người có thể hiện thực tham vọng dự U20 World Cup lần thứ 2, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã bổ nhiệm ông Tuấn “con” cho chiến dịch tại Uzbekistan.
Một số cầu thủ U20 Qatar đã khóc sau trận thua U20 Việt Nam tối 4-3, cứ như thể họ vừa thất bại trong một trận chung kết. Điều đó cho thấy Qatar tin rằng họ ở đẳng cấp cao hơn, đánh bại Việt Nam là chuyện đương nhiên. Nhưng ông Hoàng Anh Tuấn và các học trò đã chứng minh rằng việc họ thắng Australia ở trận ra quân không phải là may mắn.
Rơi vào bảng đấu khá nặng nhưng đến nay U20 Việt Nam đã thắng 2 trận. Dù tấm vé đi tiếp vẫn chưa nằm trong tay thì cách mà chúng ta đánh bại các đội bóng được xem là mạnh hơn đã khẳng định được vị thế của bóng đá Việt Nam ở các sân chơi trẻ. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn không thay đổi gì về lối chơi so với 6 năm trước, khi ông đưa U19 dự World Cup.
Nghĩa là qua nhiều thành công lẫn thất bại, ông Tuấn vẫn kiên trì với quan điểm của mình. Chính niềm đam mê làm bóng đá trẻ đã tạo ra sự kiên định đó. Nhiều huấn luyện viên đến với bóng đá trẻ chủ yếu làm bước đệm, tạo tên tuổi và kinh nghiệm trước khi “ra” V-League, còn ông Hoàng Anh Tuấn thì ngược lại, từ bóng đá người lớn quay về bóng đá trẻ.
Giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam tùy thuộc rất lớn vào khả năng phát triển của những đội tuyển U. Lứa U19 của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cách đây 6 năm đều là trụ cột tại đội tuyển quốc gia dưới thời ông Park Hang-seo.
Lứa U19 của năm 2019 mà ông Tuấn sau khi từ chức trao lại cho ông Philippe Troussier khi đó cũng chiếm đa số trong thành phần đội U22 mà ông Troussier đang xây dựng cho SEA Games 32. Những gì mà U20 hiện nay đang tạo ra ở Uzbekistan cũng giúp chúng ta tin tưởng hơn vào tương lai, ở tham vọng World Cup 2030. Vấn đề còn lại, có lẽ là phải thêm nhiều ông Tuấn “con” nữa cho bóng đá Việt.