Để đánh dấu cho cột mốc quan trọng này, sáng 28-2 tại TPHCM, hai thương hiệu đã phối hợp tổ chức buổi thảo luận với chủ đề: “Hợp tác nâng tầm thanh toán không dùng tiền mặt”. Đây cũng là cơ hội để Grab Việt Nam và ZaloPay chia sẻ nhiều câu chuyện, giúp truyền thông có cái nhìn toàn diện hơn về sự hợp tác này.
Ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập - Tổng giám đốc VNG và ông Alejandro Osorio, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, là hai diễn giả tại buổi thảo luận. Ngoài ra, bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc Ví điện tử ZaloPay và bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, cũng tham gia chia sẻ ý kiến.
Trong chương trình, ông Lê Hồng Minh đã chia sẻ về cách VNG và ZaloPay nhìn nhận những khó khăn trong việc thuyết phục người dùng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Một trong những lý do đó có thể vì chất lượng sản phẩm chưa thực sự đủ tốt. Hợp tác với Grab Việt Nam lần này đối với VNG nói chung và ZaloPay nói riêng chính là bước tiến trong việc đẩy mạnh công nghệ.
Sự kết hợp giữa siêu ứng dụng giúp đáp ứng hầu hết nhu cầu hàng ngày như Grab và đơn vị trung gian thanh toán như ZaloPay sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các tính năng, sản phẩm mới ưu việt hơn trong tương lai. ZaloPay kỳ vọng sự hợp tác giữa hai hệ sinh thái lớn sẽ tạo môi trường đa dạng hơn cho cả người dùng lẫn đối tác doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cộng đồng không tiền mặt ngày một lớn hơn.
Còn theo ông Alejandro Osorio, một người có kinh nghiệm làm tại các thị trường Đông Nam Á, khu vực này đang phát triển nhanh về thanh toán không tiền mặt nhờ các tác nhân thúc đẩy quan trọng: đại dịch Covid-19; tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng còn hạn chế; và sự phát triển của thương mại điện tử cùng các ứng dụng kết nối người tiêu dùng với các dịch vụ hằng ngày đa dạng. Trong bức tranh toàn cảnh Đông Nam Á, Việt Nam cho thấy không hề chậm chân trong hành trình trở thành một xã hội không tiền mặt. Ông Alejandro Osorio đã dẫn số liệu từ báo cáo Hành vi Thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 của Visa Consumer Payment Attitudes Study 2022, với 83% người Việt Nam được khảo sát cho rằng họ dự định sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. Về phía Grab, để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ông Alejandro Osorio cho biết Grab nỗ lực cải thiện trải nghiệm người dùng trên nền tảng Grab để khuyến khích ngày càng có nhiều người dùng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt. Grab đồng thời cũng đầu tư vào các sáng kiến nhằm đẩy mạnh truyền thông cho các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt như: tiết kiệm hơn so với giao dịch bằng tiền mặt, an toàn hơn và tiện lợi hơn.
Nói về nền tảng của sự hợp tác này, ông Lê Hồng Minh và ông Alejandro Osorio cùng nhấn mạnh những điểm chung giữa hai bên: cùng định hướng về việc tận dụng công nghệ để mang đến cho người Việt Nam trải nghiệm các dịch vụ hằng ngày một cách thuận lợi, cùng mục tiêu góp phần vào việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, ông Lê Hồng Minh cho rằng, là những công ty công nghệ, như Grab và ZaloPay, đều trưởng thành từ việc thử nghiệm và liên tục học hỏi từ những thử nghiệm của chính mình, việc hợp tác cùng nhau cho phép đẩy mạnh quá trình học hỏi nhờ cả hai bên có thể học hỏi lẫn nhau, giúp cho cả hai nền tảng ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Grab Việt Nam và ZaloPay đều kỳ vọng sự hợp tác lần này sẽ là cơ hội để hai bên tích lũy kinh nghiệm để từ đó đánh giá các cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai, hướng đến hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho người Việt Nam trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt.
Chia sẻ tại đây, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết trên nền tảng Grab, ngày càng nhiều người dùng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt kể từ đại dịch Covid-19. Do vậy, thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều cơ hội để tăng trưởng. Grab đặt mục tiêu gia tăng hơn nữa lượng người dùng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hợp tác với các tổ chức phù hợp. Grab có kế hoạch tiếp tục giới thiệu đến người dùng một danh mục mở rộng các giải pháp thanh toán tiện lợi để tăng cường số lượng người dùng và tần suất giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng. Để đẩy mạnh việc người dùng lựa chọn giao dịch không dùng tiền mặt trên ứng dụng, Grab cần phải mang đến cho người dùng các lựa chọn thanh toán đa dạng và tận dụng các nguồn lực để nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Sự hợp tác với ZaloPay bổ sung một lựa chọn vào danh mục các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên Grab. Với các giải pháp hiện có, Grab tin tưởng rằng có thể khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người dùng hơn sử dụng thanh toán không tiền mặt, và với tần suất thường xuyên hơn.
Về phía ZaloPay, bà Lê Lan Chi cũng chia sẻ về những khó khăn khi khuyến khích người dùng chuyển sang hình thức thanh toán mới, nhất là những đối tượng khách hàng ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ hoặc ngần ngại do quy trình đăng ký tài khoản, liên kết ngân hàng. ZaloPay đã triển khai bước đi chưa từng có tiền lệ trong ngành ví điện tử Việt Nam: Tích hợp vào ứng dụng nhắn tin Zalo, nhằm đưa ZaloPay đến với 100 triệu người dùng Zalo, mọi thao tác thanh toán, chuyển tiền,… đều có thể thực hiện nhanh chóng ngay trong khung chat. Người dùng nói chung và người dùng Grab nói riêng không cần tải ứng dụng ZaloPay độc lập để thực hiện thanh toán mà toàn bộ thao tác như liên kết thẻ, xác thực, thanh toán bằng ví ZaloPay… đều được diễn ra trong Zalo. Điều này giúp tối giản hóa quy trình đăng ký nhưng vẫn còn cần đầu tư để tối ưu hơn nữa nếu muốn phổ cập thanh toán không tiền mặt đến đại đa số người dùng bất kể độ tuổi, lĩnh vực hoạt động, có cơ hội tiếp xúc nhiều với ứng dụng công nghệ hay không.
Nhờ vậy, ZaloPay đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận như: Hơn 11,5 triệu người dùng thanh toán trong năm 2022 với mạng lưới hơn 13.000 đối tác thương mại (merchant) và 35.000 điểm thanh toán trên cả nước; từ tháng 9 đến 12-2022, ZaloPay đã thành công trong việc đưa mô hình căn tin không tiền mặt đi vào hoạt động tại 4 điểm trường gồm: Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM), Trường THPT chuyên Long An và Trường Chính trị tỉnh Long An.