Với bóng đá nữ, năm 2015 thực sự đã đem lại nhiều cảm xúc với những nốt thăng đáng nhớ, nhưng cũng có những… nốt trầm mà cần nhanh chóng quên đi.
Đó là thất bại của đội tuyển nữ Việt Nam ngay trên sân nhà ở giải vô địch Đông Nam Á 2015. Chúng ta đã thua Thái Lan trong trận bán kết và sau đó thua luôn Australia ở trận tranh hạng ba. Đó cũng là màn ra mắt khán giả TPHCM không thành công của HLV Takashi, người được bổ nhiệm thay thế ông Trần Vân Phát.
Nhưng sau đó không lâu, thầy trò ông Takashi đã có cuộc “đòi nợ” đầy ngọt ngào khi vượt qua Thái Lan trong cuộc đua tranh vé vào vòng loại thứ 3 của Olympic Rio 2016. Chiến thắng không chỉ ấn tượng về tỷ số mà còn tạo sự vững tin nơi người hâm mộ khi chúng ta đang trong giai đoạn trẻ hóa lực lượng.
Trong màu áo quốc gia, Huỳnh Như (trái) luôn là nỗi e ngại của nhiều hàng thủ. Ảnh: Q.Thắng – D.Phương
Tuyết Dung, Kiều Trinh, Minh Nguyệt - 3 cô gái giành những giải thưởng cao nhất ở lễ trao giải Quả bóng vàng 2014 tiếp tục là trụ cột trong đội hình tuyển Việt Nam trong năm 2015. Minh Nguyệt vẫn là thủ lĩnh trên hàng công của đội tuyển lẫn đội Hà Nội, Kiều Trinh vẫn luôn là thủ môn số 1 của đội tuyển lẫn TPHCM. Còn Tuyết Dung thì gây ấn tượng ở hai pha đá phạt góc thành bàn tại giải vô địch Đông Nam Á, cô không chỉ thành công ở đội Hà Nam mà còn thử sức ở đội Futsal Hà Nam và cũng thành công không kém.
Năm 2015, bóng đá nữ còn giới thiệu nhiều gương mặt nổi bật khác như Huỳnh Như - nhân tố đóng góp vai trò quan trọng trong thành công của đội TPHCM; Phạm Hải Yến (Hà Nội) – cầu thủ ghi nhiều bàn thắng tại giải VĐQG với 10 bàn, hay Bùi Thúy An (cũng của Hà Nội) được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Ngoài ra còn có Chương Thị Kiều, hậu vệ không thể thiếu ở ĐTQG và cô còn được đề cử ở giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc.
Theo nhận định của giới chuyên môn thì năm 2015, điều ấn tượng ở bóng đá nữ là sự vững vàng của nhiều cầu thủ trẻ để sẵn sàng đóng vai trò trụ cột trong thành phần ĐTQG. Điều đó còn cho thấy qua danh sách đề cử ở giải Cầu thủ trẻ xuất sắc, có cấu thủ sinh năm 2001 – Ngân Thị Vạn Sự, tuyển thủ của đội U.16 quốc gia và rất hứa hẹn ở tương lai.
Hoàng Giang
Thống kê về QBV nữ và CT nữ trẻ xuất sắc nhất
Bắt đầu có tên trong các hạng mục QBV kể từ năm 2001, đến nay giải thưởng QBV nữ đã qua 13 lần bầu chọn.
Về mặt cá nhân, Đoàn Thị Kim Chi là cầu thủ nữ giành được nhiều danh hiệu QBV nữ nhất với 4 lần bước lên bục cao nhất (vào các năm 2004, 2005, 2007, 2009) và 1 lần nhận QBB nữ (năm 2006).
Xếp sau Kim Chi là đàn em Đặng Thị Kiều Trinh với 2 lần giành QBV nữ (vào các năm 2011, 2012) và 3 lần giành QBB – một kỷ lục khác của làng bóng đá nữ (vào các năm 2009, 2010, 2014).
Những nữ cầu thủ khác từng nhận QBV nữ là Lưu Ngọc Mai (2001), Nguyễn Thị Kim Hồng (2002), Văn Thị Thanh (2003), Đào Thị Miện (2006), Đỗ Ngọc Châm (2008), Trần Thị Kim Hồng (2010), Nguyễn Thị Tuyết Dung (2014).
Có 3 nữ cầu thủ từng 5 lần có mặt trong top 3, ngoài Kim Chi, Kiều Trinh còn có Đào Thị Miện (1 QBV nữ, QBB nữ, 2 QBĐ nữ).
Trong khi đó về mặt CLB thì TPHCM là đội bóng giành được nhiều QBV giành cho nữ nhất với 9 lần (Kim Chi 4 lần, Kiều Trinh 2 lần, còn lại Ngọc Mai, Nguyễn Thị Kim Hồng, Trần Thị Kim Hồng mỗi người 1 lần).
Còn lại Hà Nam giành 2 QBV nữ (năm 2003 và 2014), trong khi Hà Nội và Hà Tây đều chỉ 1 lần được sở hữu QBV nữ.
Riêng hạng mục Cầu thủ nữ trẻ xuất sắc nhất mới ra đời kể từ năm 2012 và trong 2 lần tổ chức trước đây, các nữ cầu thủ của TPHCM đều là những người được vinh danh.
* Thành tích của Lưu Ngọc Mai năm 2001 là Quả bóng đồng khi được bình chọn chung với các đồng nghiệp nam. Và được tính cho thành tích cao nhất ở giải Quả bóng vàng dành cho nữ trong lần đầu tiên.
Quang Phạm