Sáng 4-1, Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ giỗ tổ võ cổ truyền Bình Định tưởng nhớ và tri ân Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và các bậc võ tướng, tiền nhân võ thuật. Lễ giỗ quy tụ hàng trăm võ sư, võ sĩ, đại biểu trong cả nước cùng các nhà khoa học, võ sư châu Á, châu Âu và UNESCO…
Phát biểu tại lễ giỗ, đại võ sư Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định, đã ôn lại lịch sử phát triển của võ cổ truyền Bình Định với vai trò "tổ võ" là Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Hoàng đế Quang Trung là người có công lớn trong quy tụ các dòng võ, võ phái đặc trưng trong nhân dân ứng dụng vào quân đội, hình thành nên đoàn quân bách chiến bách thắng làm khiếp vía quân thù.
Võ sư Linh nhấn mạnh, lịch sử võ cổ truyền Bình Định phát triển hưng thịnh, rực rỡ nhất thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn với vai trò của Vua Quang Trung. Từ thời kỳ này, những ngón võ, bí kíp võ công được đoàn quân Tây Sơn ứng dụng thực chiến làm nên nhiều chiến công vang danh bờ cõi.
Từ di sản tiền nhân để lại, các môn phái, võ sư Tây Sơn – Bình Định tiếp tục kế thừa phát triển lên thời kỳ lớn mạnh, lan tỏa khắp cả nước và thế giới.
Hiện, võ cổ truyền Bình Định có 12.000 võ sinh, gần 200 võ đường và khoảng 180 võ sư, đại võ sư, võ sư quốc tế…
Năm 2012, Bộ VH-TT-DL đã công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bình Định đang xây dựng hồ sơ khoa học để trình UNESCO công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo võ sư Linh, năm 2024, các vận động viên võ cổ truyền Bình Định đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn, mang về 195 huy chương, gồm 70 HCV, 52 HCB, 73 HCĐ. Đặc biệt, Bình Định cử 3 lượt huấn luyện viên, vận động viên đại diện Việt Nam tham gia các giải châu lục, thế giới mang về 3 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ…
Tham dự lễ giỗ tổ, võ sư Olivier Barley (châu Âu) bày tỏ niềm vui khi được mời tham dự chuỗi sự kiện vinh danh, khẳng định di sản phi vật thể võ thuật Bình Định. Trong đó, lễ giỗ tổ này là sự kiện rất ý nghĩa để tôn vinh các giá trị “tôn sư trọng đạo” của những thế hệ sau đối với tiền nhân, người đi trước sáng lập.
Theo ông Barley, võ cổ truyền Bình Định là giá trị quý báu của Việt Nam, trong đó giá trị lớn nhất là đạo đức trong võ và tính kế thừa cộng đồng.
“Tôi tin, nếu chúng ta biết vận dụng phát huy các giá trị này thì sớm muộn gì võ cổ truyền Bình Định sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, võ cổ truyền Bình Định cần chuyển tải đạo đức võ học lan tỏa cho các thế hệ sau, nhất là việc ứng dụng vào các trường học, lò võ”, ông Barley chia sẻ.
Dịp này, các chuyên gia, nhà khoa học và các võ sư lớn trên thế giới cùng đại diện UNESCO đến Bình Định để tham dự Hội thảo quốc tế về bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định (tổ chức ngày 5-1).