Theo bầu Đức, đó là 2 nơi không đem lại cho tập đoàn của ông lợi nhuận nhưng lại là những “đứa con tinh thần” để ông có động lực trong kinh doanh. Bầu Đức vẫn chưa bán CLB bóng đá HA.GL, nhưng vừa qua đội bóng đã đổi tên với sự tham gia của một ngân hàng. Việc đổi tên này có vẻ giống sự hợp tác trong mảng nông nghiệp giữa HA.GL và Thaco, qua đó đối tác mới sẽ nắm quyền điều hành và đầu tư. Dễ hiểu hơn, là từ nay về sau, họ sẽ là người bỏ tiền cho đội bóng và đương nhiên, cũng sẽ nắm quyền quyết định. Nếu đúng như thế thì đây là điều đáng tiếc.
Từ lúc bầu Đức tham gia bóng đá bằng cách tiếp nhận CLB Gia Lai hồi năm 2001, những gì mà CLB này làm đều đại diện hoặc được xem là tạo ra đột phá cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ông cùng với bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm là những doanh nghiệp đầu tiên đề xuất nhận các đội bóng địa phương và chuyển đổi thành doanh nghiệp độc lập. Họ là những người đầu tiên dám thuê các ngôi sao (Kiatisak) hay chuyên gia nước ngoài (HLV Calisto) ngay khi còn đá ở giải hạng nhất nhằm chứng minh sự tiến bộ của bóng đá chuyên nghiệp do doanh nghiệp trực tiếp điều hành.
HA.GL là đội bóng tạo ra khái niệm “Dream Team” đầu tiên với việc chi tiền mua cầu thủ giỏi từ khắp nơi về để nâng cấp đội hình trong thời gian sớm nhất. Nhờ vậy, họ là đội đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam vừa lên hạng đã vô địch. HA.GL cũng là nơi đầu tiên có học viện bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế, là đội bóng đầu tiên có đối tác đến từ giải ngoại hạng Anh (Arsenal), là đội đầu tiên tự bỏ tiền đầu tư sửa chữa sân vận động và tiến hành bán vé trọn mùa…
Nói cách khác, HA.GL gần như là CLB hội đủ yếu tố làm nên một CLB bóng đá chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn thế giới. Bầu Đức nói rằng, ông đã bỏ ra 2.000 tỷ đồng cho đội bóng, có lẽ cũng không khoa trương. Vấn đề là chừng đó tiền, chừng đó đột phá, nhưng rốt cục thì HA.GL vẫn phải “bán tên”, chi tiết cho thấy chủ sở hữu của nó không còn đủ tài chính để theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp. Đó chính là điều đáng tiếc và ít nhiều cũng khiến cho tiến trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở nên gập ghềnh hơn, mông lung hơn và… dài hơn khi mà hoạt động kinh doanh “lấy bóng đá, nuôi bóng đá” vẫn còn quá xa vời. Chưa kể, việc đổi tên này cũng là dấu hiệu cho thấy bóng đá Việt Nam đi một đoạn đường rất xa nhưng lại quay vòng về khoảng thời gian thay tên, đổi chủ như trước đây.
Dù hy vọng với đối tác mới HA.GL sẽ thay đổi được thành tích thi đấu và “sống” được, nhưng nếu một ngày nào đó bầu Đức không còn làm bóng đá nữa thì cũng chẳng bất ngờ.