Đáng ngạc nhiên là một số trường không nằm trong nội đô như ĐH Nông Lâm, Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM hoặc ở địa phương như ĐH Cần Thơ lại không còn sân cỏ 11 người. Một trong những cái nôi của bóng đá sinh viên TPHCM là ĐH Bách khoa, theo khảo sát mới nhất, sân cỏ chỉ còn quy mô 9 người thi đấu.
Sân bóng đá mặc dù chiếm diện tích lớn nhưng là cơ sở vật chất thể thao đơn giản nhất, rẻ tiền nhất để đầu tư đối với thể thao học đường. 20 năm trước, sinh viên của ký túc xá ĐH Bách khoa biết đá bóng có thể xách giày ra sân cùng lúc vào mỗi buổi chiều. Khu ĐH Nông Lâm ngoài Thủ Đức dù chục trận đấu diễn ra cùng lúc cũng vẫn có sân. Vậy mà bây giờ, ngoài sân của ĐH Tôn Đức Thắng, các trận đấu của giải sinh viên lần 1-2020 buộc phải đi thuê sân, chứ không thể hình thành mô hình sân nhà - sân khách theo định hướng của những người tổ chức.
Chính vì vậy, ý tưởng tổ chức giải bóng đá sinh viên được đánh giá là thiết thực. Không hẳn vì giải đấu này sẽ tạo ra một thế hệ cầu thủ nào đó, mà điều quan trọng là gia tăng nhận thức của xã hội về một mảng khuyết lớn của thể thao học đường. Thật khó tin khi một đất nước đam mê bóng đá, có hệ thống đào tạo cầu thủ rộng khắp, nhưng đến những trường ĐH lớn thì lại không hề có sân bóng. Hàng triệu học sinh từng chơi bóng khi còn bé phải xa dần đam mê chỉ vì nơi họ học thiếu những khoảng cỏ xanh, đất trống thì bị chia nhỏ thành các sân cỏ nhân tạo… cho bên ngoài thuê. Không phải tự nhiên mà các đội bóng sinh viên Hàn Quốc, Nhật Bản lại có trình độ chơi bóng ngang với đội tuyển Việt Nam. Cũng không phải tự nhiên mà Hiệp hội Thể thao Đại học Mỹ là nhân tố quan trọng trong Ủy ban Olympic của quốc gia số 1 về thể thao thế giới. Nền thể thao học đường, đặc biệt là ở bậc ĐH hoàn toàn có thể cung cấp nhân lực cho một số đội tuyển thể thao mà không dùng đến ngân sách nhà nước.
Nhưng quan trọng hơn, các sinh viên mê thể thao, chơi thể thao tốt sẽ là một trong những nguồn lực xã hội vô tận, đóng góp cho thể thao nước nhà trong tương lai. Đại đa số các nhà tài trợ thể thao, bóng đá đều có người đứng đầu từng là VĐV hoặc chơi rất tốt một môn nào đó. Hơn ai hết, những cựu sinh viên mê thể thao khi thành đạt trên thương trường, hoặc có vị trí trong cơ quan quản lý nhà nước, sẽ là những người đầu tiên tài trợ, đầu tư cho thể thao. Thông thường, họ làm lâu dài, căn cơ hơn những người khác chỉ đầu tư cho mục đích ngắn hạn nào đó.
Nên cũng hy vọng là giải bóng đá sinh viên vừa ra đời sẽ có đời sống lâu dài, qua đó giúp sinh viên có đời sống thể chất tốt hơn và duy trì đam mê với thể thao nhiều hơn.