So với các đồng nghiệp nam, bóng đá nữ luôn thua sút về nhiều mặt, kể cả sự ưu ái đầu tư lẫn tình cảm từ giới hâm mộ. Ở góc rất riêng của mình, các cô gái đá bóng chấp nhận đấy như một phần của cuộc chơi, dù nếu tính về mức độ cống hiến, về bảng vàng thành tích quốc tế, họ thậm chí còn nổi bật hơn bóng đá nam…
Bóng đá nữ Việt Nam bây giờ đã được quan tâm nhiều hơn, từ ngành TDTT, từ VFF và từ cả tình cảm mà người hâm mộ dành cho họ. Thế nhưng, điều đó chẳng thấm tháp gì so với các cầu thủ nam, cả về tầm mức đầu tư lẫn cơ hội phát triển, cho dù trong mọi cuộc hành trình đến đấu trường SEA Games, chính những cô gái đá bóng mới được gửi gắm niềm tin tranh đoạt tấm HCV.
Đây không hẳn là nghịch lý, bởi vì bóng đá thế giới cũng vận động tương tự như vậy. Có nghĩa, các cầu thủ nam có rất nhiều sân chơi lớn để phô diễn tài năng, nhận lương cao và thưởng lớn, được truyền thông ca tụng vì họ đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê nơi người hâm mộ nhờ lối chơi đầy sức mạnh và hoa mỹ. Bóng đá nữ thì chưa làm được những điều tương tự, thành ra thật khó để đứng ngang với đồng nghiệp nam về mọi mặt, ngoại trừ yếu tố hi sinh và chịu thiệt thòi vì nghề nghiệp.
Các nữ cầu thủ chia vui với nhau trên sân cỏ, vì trên các khán đài thường trống vắng khán giả ở giải VĐQG.
Bóng đá nữ Việt Nam không là ngoại lệ. Năm ngoái, sau sự kiện đội tuyển U.23 Việt Nam gây chấn động làng bóng đá châu Á, vào bán kết Asiad 18, lên ngôi ở AFF Cup 2018 và chen chân vào tốp 8 Asian Cup 2019, bóng đá nữ càng trở nên mờ nhạt giữa bầu không khí sôi sùng sục dành cho bóng đá nam. Giải vô địch quốc gia nữ năm ngoái nếu không có sự cố “hỗn chiến” giữa cầu thủ 2 đội TPHCM 1 và Than Khoáng sản Việt Nam ở vòng bán kết, có lẽ đã chìm khuất ở đâu đó mất rồi. “Đấy là lần đầu tiên bóng đá nữ được truyền thông và dư luận để ý đến trong năm 2018, nhưng đáng buồn là phải nhờ đến… sự cố đánh nhau!”, một nữ HLV chua chát tâm sự.
May cho họ là kể từ năm nay, VFF tổ chức thêm một sân chơi nữa - Cúp quốc gia - số lượng các trận đấu mới được tăng lên và nhiều cầu thủ trẻ mới có cơ hội được thử sức, trải nghiệm và trưởng thành hơn. Nên, đấy đáng được gọi là tin mừng, dù các cầu thủ nữ hiểu rằng họ sẽ tiếp tục chơi bóng dưới sân mà hầu hết các khán đài quanh họ đều… vắng hoe khán giả.
Hai cảm xúc trái ngược.
Cầu thủ nữ vốn lành tính, ít khi than vãn về khó khăn của mình, quanh năm chỉ biết lao vào tập luyện, chờ được ra sân ở 2 vòng đấu của Giải vô địch quốc gia, rồi mong ngóng một lần trong đời được khoác áo đội tuyển để chinh chiến cùng nhau ở SEA Games, vòng loại châu Á, thế giới… Bản thân mỗi người cũng thừa hiểu họ chỉ là một phần rất nhỏ bé trong đời sống bóng đá Việt, ngay cả khi có vô địch SEA Games thêm bao nhiêu lần nữa, ngay cả khi đoạt được tấm vé dự Olympic hay World Cup…
Sau khi chia tay sự nghiệp cầu thủ, những nhà vô địch SEA Games như Đào Thị Miện, Nguyễn Thị Nga, Văn Thị Thanh, Ngọc Châm, Kim Chi, Kim Hồng, Minh Nguyệt… nếu không tiếp tục gắn bó với bóng đá trong vai trò HLV thì cũng tìm cơ hội được một lần hòa mình vào bầu không khí bóng đá qua các trò chơi trên truyền hình, tham gia bình luận, giảng dạy ở các trung tâm bóng đá cộng đồng.
Hậu vệ Nguyễn Hải Hoà không ngại bán bánh mỳ phụ giúp gia đình kiếm tiền.
Thế nhưng không phải ai cũng có cái kết đẹp như thế, vì nhiều người phải đổi nghề, bươn trải kiếm sống bằng nhiều công việc nặng nhọc khác. Những nhà vô địch SEA Games 22 từng ứa nước mắt khi chứng kiến đồng đội tiền vệ Quách Thanh Mai lấm lem dầu mỡ ở tiệm sửa xe máy của gia đình vì sau khi giải nghệ không kiếm được việc làm. Nhưng có được việc sửa xe còn may mắn chán, bởi lẽ nhiều cầu thủ nữ của CLB TPHCM và ngay cả tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hải Hòa khi còn thi đấu phải tranh thủ phụ bán bánh mỳ, bún bò, trà sữa… để kiếm thêm đặng bù đắp cho khoản thu nhập ít ỏi vài triệu đồng/tháng.