Ngày 26-6, ở vòng thi chung kết tại Đại học Bách khoa TPHCM, vượt qua gần 250 ý tưởng, sau nhiều tháng sàng lọc và tranh tài, đề tài Tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh để sấy bánh tráng cho các hộ dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã đoạt Giải Ứng dụng của Holcim Prize 2015. Đội vô địch nhận 70 triệu đồng và được Holcim Việt Nam hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng triển khai ứng dụng thí điểm thực tế (ảnh).
Đề tài này do 2 nữ sinh viên thực hiện, góp phần nâng cao năng suất sản xuất bánh tráng tại địa phương, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết để phơi sấy bánh tráng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường qua việc giảm thiểu năng lượng cho lò sấy và đảm bảo vệ sinh cho bánh tráng thành phẩm. Theo tính toán, chi phí mua nhiên liệu đốt để sấy bánh theo phương pháp cũ ở những ngày mưa sẽ là nguồn kinh phí đầu tư cho thiết bị sấy này. Thực tế, phương pháp sấy bánh tráng cũ sử dụng các nhiên liệu như trấu, mùn cưa, than… gây ô nhiễm môi trường, nên việc sử dụng thiết bị này sẽ giúp giảm thiểu các tác động môi trường trên. Thiết bị này còn giúp người lao động hạn chế tiếp xúc khói độc; tiến tới việc sản xuất sản phẩm sạch cho thị trường. Ban tổ chức cũng đã trao các giải thưởng khác:
* Giải Bảo vệ môi trường (22 triệu đồng) của sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng với đề tài Cải thiện năng suất và chất lượng nấm bào ngư bằng mô hình trồng trên bã cà phê tại Công ty CP Công nghệ Sinh học Nấm Việt, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM.
* Giải Phát triển cộng đồng (22 triệu đồng) của sinh viên Đại học Cần Thơ với đề tài Chế tạo máy dệt lọp tự động cho làng nghề đan lọp tép xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
* Giải Xây dựng bền vững (22 triệu đồng) của sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM với đề tài Nhà ở thích ứng bão, lũ cho đồng bào miền Trung.
|
PHÚ QUỐC