Những câu chuyện truyền cảm hứng
Cú demi vô lê hoàn hảo của danh thủ Minh Chiến đưa Việt Nam lần đầu vào chung kết môn bóng đá tại SEA Games 18 (năm 1995). Bàn thắng được thực hiện bởi cái chân đau với đầu gối quấn kín băng và Trần Minh Chiến phải tiêm thuốc giảm đau khẩn cấp để có thể được HLV Weigang đưa vào danh sách thi đấu trận bán kết. Đó là sự khởi đầu, dấu ấn của bản lĩnh, tinh thần Việt Nam, đã truyền cảm hứng cho một giải thưởng bóng đá nước nhà tạo nên các giá trị vững bền theo thời gian.
Đúng 10 năm sau, những nhà tổ chức Giải thưởng Quả bóng vàng đứng trước thời khắc khó khăn nhất và chưa có tiền lệ sau khi scandal của đội tuyển tại SEA Games 2005 nổ ra. Đã có ý nghĩ phải dừng lại kỳ bầu chọn năm đó bởi cũng không ai biết trước scandal ấy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu. Nhưng cũng ở thời khắc ấy, hình ảnh đẹp khi tố giác tiêu cực của tiền vệ Phan Văn Tài Em trở thành “chỗ dựa tinh thần” cho những nhà tổ chức. Quả bóng vàng không thuần túy chuyên môn, mà còn là sân khấu của những giá trị đẹp đẽ mà bóng đá có thể mang lại cho đời sống.
Để rồi từ đó, những khoảnh khắc đẹp của bóng đá Việt Nam lần lượt xuất hiện. Năm 2021, ở kỳ bầu chọn lần thứ 25, câu chuyện của bản lĩnh Việt Nam lại được viết tiếp theo một cách đặc biệt. Dịch Covid-19 bùng phát khiến V-League bị hủy bỏ giữa chừng, các sự kiện bóng đá trẻ không thể diễn ra. Hàng trăm cầu thủ rơi vào cảnh giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp. Nhưng vào lúc gian khó, những kỳ tích đã xuất hiện. Đội tuyển Futsal Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp dự World Cup và tiếp tục vượt qua vòng bảng. Họ đã làm điều đó như thế nào khi mà suốt cả năm không thể thi đấu trong nước?
Ở kỳ trao giải đầu tiên, các cầu thủ trong tốp 3 khi đó còn không biết mình phải làm gì khi bước lên nhận giải. Mọi thứ vô cùng đơn giản, gói gọn trong buổi lễ ấm cúng trong không gian nhỏ gọn của hội trường Tòa soạn Báo SGGP. Tiền đạo Lê Huỳnh Đức còn suýt làm rơi Quả bóng vàng vì… run. “Đời cầu thủ, có bao nhiêu lần như thế này phải không anh?”, Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết đã tâm sự với ban tổ chức khi lần đầu đoạt giải dù đã ngoài 30 tuổi với hơn 10 năm cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Đêm gala trao giải năm 2010, tiền vệ Trần Thị Kim Hồng bật khóc khi lên sân khấu nhận danh hiệu Quả bóng vàng. Khi đó, tiền đạo của CLB TPHCM bị chấn thương rất nặng, có thể từ giã sự nghiệp, và cô bộc bạch: “Tôi không biết mình có đoạt giải hay không nhưng rất muốn có mặt tại gala, vì biết đâu đó là sự kiện bóng đá cuối cùng của mình”.
Nếu có mặt trong phòng thay đồ trước các trận đấu để nghe hành khúc hùng tráng Đường chúng ta đi (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du), nếu cùng các cầu thủ lặng người xem những câu chuyện tại quê nhà đang oằn mình chống dịch, nghe những lời động viên từ người thân, hẳn bạn sẽ hiểu vì sao các tuyển thủ lại có thể vượt qua những bất lợi về thể hình, kiên cường đối đầu với các đối thủ có đẳng cấp cao hơn để tạo ra những cơn địa chấn, làm nức lòng người hâm mộ ở xa hàng ngàn cây số.
Kỳ vọng những ngôi sao mới
Khi đặt tên cho giải thưởng là Quả bóng vàng, cũng là gửi gắm những niềm tin vươn mình Phù Đổng của bóng đá Việt Nam. Vì thế, dù vẫn là một sự kiện do cơ quan báo chí tổ chức, nhưng Quả bóng vàng Việt Nam đã được Bộ VH-TT-DL và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam công nhận như một giải thưởng chính thức và duy nhất cấp quốc gia. Cả AFC và AFF cũng ghi nhận giải thưởng bằng việc đưa thông tin chính thức lên website ở mỗi kỳ trao giải. Đó là động lực đưa Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam vươn tầm. Từ hệ thống giải thưởng chỉ dành cho bóng đá nam, số lượng hạng mục trao giải đã mở rộng tối đa, bao gồm cả futsal - môn thi đấu có tuổi đời phát triển còn ít hơn Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam nhưng lại đạt được những thành tích đặc biệt với 2 lần dự World Cup.
Nếu trước năm 2010, tiêu chí cống hiến nổi bật của cầu thủ trong màu áo đội tuyển quốc gia chiếm vai trò quyết định thì hơn một thập niên qua, hơn phân nửa các cầu thủ đoạt Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đến từ những CLB vô địch V-League. Những thay đổi này một lần nữa giúp cho Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam củng cố vị thế của mình trên hành trình “thắp lửa” bóng đá Việt Nam.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam ban đầu chỉ là một “hạt mầm” mang tên “ước mơ” được gieo xuống “mảnh đất” hãy còn khô cằn của bóng đá Việt Nam. Đến năm 2001, đội U23 Việt Nam lần đầu bị loại ở vòng bảng SEA Games, cùng thời điểm đó, đội tuyển nữ lần đầu vô địch Đông Nam Á và cũng cùng năm; Giải thưởng Quả bóng vàng dành cho bóng đá nữ được ra đời. Năm 2015, chúng ta lại tiếp tục thất bại ở SEA Games, nhưng đội tuyển futsal lại tạo ra kỳ tích giành vé dự World Cup, hạng mục dành cho cầu thủ futsal ngay lập tức có mặt ở Quả bóng vàng Việt Nam. Nếu năm 2000, hạng mục Cầu thủ trẻ xuất sắc được đưa vào hệ thống giải thưởng thì 16 năm sau, đội tuyển U20 Việt Nam giành vé dự World Cup trẻ…
Nhưng điều tuyệt vời nhất là mọi thứ vẫn còn ở phía trước. Những đam mê, mộng mơ và khao khát chiến thắng vẫn còn mới tinh như gần 30 năm trước. Những “ngọn núi” của bóng đá thế giới vẫn đang chờ chúng ta chinh phục và chắc chắn, kỳ trao giải năm nay cũng như các năm tới, công chúng yêu bóng đá Việt Nam sẽ còn háo hức chờ đợi những ngôi sao mới trên bục vinh quang.