Hai nét mới đáng lưu tâm của giải là việc lần đầu tiên, sau 23 năm tổ chức tại TPHCM, BTC đã đưa giải ra thi đấu ở phố Vũng Tàu. Đây cũng là lần đầu tiên bóng bàn Việt Nam xuất hiện tay vợt nước ngoài đầu quân thi đấu cho CLB trong nước. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, những cách tân trên chỉ được xem là thử nghiệm, còn thành công hay không, đành… chờ.
Từ TPHCM đến Vũng Tàu
Ở buổi họp báo công bố về giải hôm qua 6-7, ông Nguyễn Trọng Trúc - Tổng thư ký Liên đoàn bóng bàn TPHCM, Phó BTC giải cho biết, lần đầu tiên sau 23 lần tổ chức, Cây Vợt Vàng dời địa điểm từ TPHCM ra thành phố Vũng Tàu.
Trước thắc mắc về việc dời một giải đấu truyền thống lâu đời của TPHCM đến nơi khác, liệu giải còn đủ sức hấp dẫn và có mất đi một giải đấu quan trọng của TPHCM? Ông Trúc lý giải, việc di chuyển giải là chuyển biến thú vị. “Xuất phát từ nhu cầu của nhà tài trợ và được sự đồng ý của Sở VH-TT-DL TPHCM, đơn vị chủ giải, BTC quyết định đưa giải về tổ chức ở Vũng Tàu. Việc thay đổi này không mất đi tính truyền thống cũng như sức hấp dẫn, bởi người ta luôn biết đến Cây Vợt Vàng với chủ giải là TPHCM, còn sức hấp dẫn của giải đấu hẳn không mất đi khi các đội nước ngoài vẫn tham dự, bên cạnh đó là sự xuất hiện của đội nam, nữ PetroVietnam và Vietsovpetro cùng với đầy đủ các tên tuổi lớn của bóng bàn Việt Nam hiện tại”, ông Nguyễn Trọng Trúc cho biết.
23 năm qua, cứ vào tháng 7, người hâm mộ bóng bàn TPHCM đã quen với việc đến Nhà thi đấu Phan Đình Phùng để chứng kiến các cây vợt trong lẫn ngoài nước tranh tài. Nay, sự thay đổi về địa điểm, nhất là Vũng Tàu vốn không quá xa TPHCM cũng là cơ hội để Cây Vợt Vàng mở rộng và phát huy tính quốc tế của mình. Đó cũng là lý do mà những người làm công tác tổ chức không ngần ngại cho biết, những năm tiếp theo, Cây Vợt Vàng vẫn có thể tổ chức một nơi khác như Hà Nội, Nha Trang…
Thử nghiệm với ngoại binh
3 cây vợt đến từ Bắc Kinh (Trung Quốc) gồm Kou Lei, Yang Ce (nam) và Yang Xiao Xin (nữ) sẽ đi vào lịch sử bóng bàn Việt Nam khi lần đầu thi đấu cho cho các CLB của nước ta. CLB mà họ đầu quân là PetroVietnam và Vietsovpetro, 2 đơn vị mới ra đời, nhưng đang chi rất mạnh tay vào việc đầu tư cho bộ môn bóng bàn. Chuyển động lớn nhất trước đó là CLB này đã “bứng” cây vợt số 1 Việt Nam Đoàn Kiến Quốc từ Khánh Hoà về đầu quân.
Trưởng đoàn bóng bàn PetroVietnam Trương Thới Nhiệm cho biết, cả 3 ngoại binh trên đều đến từ CLB bóng bàn Bắc Kinh (Trung Quốc). Kou Lei và Yang Ce từng là thành viên đội dự tuyển bóng bàn Trung Quốc cách đây vài năm. Dù vậy, ông Nhiệm cũng khá dè đặt khi cho rằng đây chỉ là bước đầu thử nghiệm của CLB: “Nếu họ thi đấu thành công tại giải lần này, chúng tôi sẽ tính đến việc thuê lâu dài để thi đấu cho CLB. Ngay cả HLV Wu Qing Wei, người từng huấn luyện giúp Trần Tuấn Quỳnh đăng quang ngôi vô địch đơn nam SEA Games 22-2003 cũng đầu quân cho CLB tại giải, và nếu thành công mới ký hợp đồng dài hạn”.
Trong khi đó, Tổng cục TDTT đã có quyết định cho phép các tay vợt bóng bàn nước ngoài thi đấu trong nước. Theo ông Nhiệm, qui định cho phép CLB PetroVietnam sử dụng 2 ngoại binh trong những trận đấu đồng đội, đôi gặp các đối thủ nước ngoài và chỉ được sử dụng 1 ngoại binh đối với những trận gặp đội trong nước. Tuy nhiên, ngoại binh cũng chỉ được thi đấu ở các giải mở rộng, giải vô địch các CLB, chứ chưa được phép thi đấu tại giải VĐQG Việt Nam.
LƯƠNG BẰNG
Giải diễn ra tại Nhà thi đấu trung tâm TDTT thành phố Vũng Tàu từ ngày 13 đến ngày 18-7, thu hút 6 đoàn nước ngoài đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chủ nhà Việt Nam góp mặt với đội tuyển quốc gia, tuyển TPHCM, CLB PetroVietnam và Vietsovpetro. Tổng cộng có 106 cây vợt dự tranh ở 6 nội dung thi đấu đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam-nữ và đồng đội nam, đồng đội nữ. Tổng giá trị giải thưởng là 222 triệu đồng. L.B |