Cờ vua trẻ Việt Nam vừa có một trong những thành tích được ghi nhận là tấm HCV cờ tiêu chuẩn nhóm tuổi U12 nam của kì thủ Đầu Khương Duy tại giải trẻ vô địch thế giới dành cho nhóm U8, U10, U12. Sau 8 năm, cờ vua trẻ chúng ta mới có được lại một kì thủ giành HCV ở giải này (người đạt được kết quả HCV gần nhất là Nguyễn Lê Cẩm Hiền – U8 nữ, năm 2015).
Ngày 12-11 tới đây, cờ vua trẻ Việt Nam tiếp tục cử đội hình những gương mặt tốt nhất ở nhóm tuổi U14, U16, U18 thi đấu giải trẻ vô địch thế giới tại Italy. Lần này, chúng ta có các kì thủ như Nguyễn Quốc Hy, Bành Gia Huy, Phạm Trần Gia Phúc, Đinh Nho Kiệt, Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Thiên Ngân, Lương Hoàng Tú Linh tham dự.
Phó Chủ tịch đồng thời là Tổng thư kí Liên đoàn cờ Việt Nam và là phụ trách bộ môn cờ (Cục TDTT) – ông Nguyễn Minh Thắng từng bày tỏ “đúng là cờ vua Việt Nam đang phải tìm những cơ hội phát triển cho các kì thủ trẻ. Cờ vua là môn trí tuệ cần tích lũy nên kì thủ phải được thi đấu và có thầy giỏi hỗ trợ sẽ phát triển tốt nhất. Người làm chuyên môn cờ đều biết, nếu mỗi kì thủ có được sự đầu tư mạnh ở nguồn lực tài chính thì sự phát triển bản thân rất tốt”. Đó là điều mà người làm chuyên môn luôn mong mỏi. Trường hợp Đầu Khương Duy là người mới nhất thành công cho cờ vua trẻ Việt Nam ở đấu trường thế giới nhưng bản thân kì thủ này cũng đang rất cần những sự đầu tư mạnh hơn nữa thì có được thêm cơ hội phát triển. Khương Duy đang có một nền tảng tốt là gia đình ủng hộ và hết lòng hỗ trợ con tập luyện, thi đấu. Đồng thời, đơn vị chủ quản Hà Nội cũng có sự tập trung bồi dưỡng cho Khương Duy. Dù thế, để Khương Duy đi được một con đường dài (năm nay mới 12 tuổi) thành danh sẽ cần thời gian và tiền bạc đầu tư đáng kể mà theo ghi nhận, tiềm lực của gia đình không phải thật sự khá giả.
Ông Minh Thắng (trái) cho biết Liên đoàn cờ Việt Nam đang tìm kiếm nhiều nguồn xã hội hóa để đồng hành hỗ trợ cho các kì thủ trẻ của Việt Nam. Ảnh: LIÊN ĐOÀN CỜ VN |
Nguyễn Hồng Nhung và Nguyễn Thiên Ngân đang là những kì thủ nữ trẻ của Việt Nam có sự phát triển tốt chuyên môn. Gia đình của mỗi tuyển thủ này rất ủng hộ con em mình tập luyện, thi đấu cờ vua chuyên nghiệp và rất dễ bắt gặp bố, mẹ của Hồng Nhung và Thiên Ngân thường theo các em tại nhiều giải đấu. “Sự đầu tư của gia đình vẫn là cốt lõi cho sự phát triển nhưng chúng tôi là nhà quản lý có góc nhìn để tư vấn cho mỗi em phát triển chuyên môn dựa theo năng lực của họ và nếu phát triển tốt là điều mừng cho cờ vua nước nhà”, HLV Bùi Vinh của đội cờ vua Việt Nam từng phân tích.
Tìm nguồn xã hội hóa tài trợ cho kì thủ hay cho giải đấu từ đâu để bản thân kì thủ - người trung tâm của các giải đấu – được hưởng lợi nhất vẫn là bài toán mà Liên đoàn cờ Việt Nam và bộ môn cờ ở nhiều địa phương còn đau đáu tìm lời giải. Cờ vua Việt Nam đã tìm được nhà tài trợ Mastertran của sản phẩm Doppelherz cho giải vô địch trẻ lên tới 1 tỉ đồng từ năm 2024 tới năm 2025 chỉ để tập trung vào cho giải cờ vua trẻ quốc gia. Có được nguồn tài trợ là quý. Nhưng, với tiềm lực có nhiều kì thủ trẻ triển vọng và tạo được tiếng vang, nếu làm được truyền thông tốt thì việc kêu gọi các gói tài trợ trong tương lai có thể còn lớn hơn 1 tỉ đồng như thế.
Năm 2011, làng cờ vua Việt Nam có sự thu hút quan trọng là việc kì thủ Lê Quang Liêm được nhận tài trợ 150.000 USD còn Nguyễn Ngọc Trường Sơn được nhận tài trợ 50.000 USD. Khi đó, Liên đoàn cờ Việt Nam đã thông báo cụ thể gói tài trợ đó kêu gọi được từ nguồn xã hội hóa và được giải ngân trong 4 năm kéo dài từ 2012 tới 2015. Lúc đó, Lê Quang Liêm mới bước qua tuổi 21 còn Trường Sơn là qua tuổi 22.
Tính tới lúc này, khoản tài trợ trên vẫn là lịch sử dành cho một kì thủ của cờ vua Việt Nam. Bây giờ, làng cờ Việt Nam tiếp tục chờ đợi sẽ có được một cú hích như thế để kì thủ trẻ thêm sự đầu tư cho sự nghiệp.