Hôm nay 5-12, Ban tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc thực hiện nghi lễ xin lửa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh qua đó sẵn sàng cho việc rước đuốc của lễ khai mạc Đại hội sẽ tổ chức vào ngày 9-12 tới. Cùng với đó, ở ngày 6-12, Hội nghị trưởng đoàn của tất cả 63 tỉnh, ngành tham dự Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức tại Quảng Ninh qua đó thống nhất các nội dung trước khi Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 chính thức tranh tài. Điều đó đồng nghĩa, mọi thứ chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc năm nay gần như đã hoàn tất.
Vấn đề được mọi người quan tâm chính là kinh phí tổ chức của Đại hội. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã cho biết nguồn kinh phí nhà nước cấp tổ chức Đại hội là 45 tỉ đồng trong đó có 5 tỉ sẽ dành cho chủ nhà Quảng Ninh là lễ khai, bế mạc của Đại hội. “Kinh phí tổ chức đã được phân bổ vào các hạng mục tổ chức của Đại hội thể thao toàn quốc năm nay”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đồng thời là trưởng tiểu ban chuyên môn kỹ thuật Đại hội thể thao toàn quốc – ông Trần Đức Phấn cho biết.
Một số môn kết thúc thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 khi lễ khai mạc chưa diễn ra như bắn súng, đua thuyền rowing, nhảy cầu, bóng rổ 5x5 và sắp tới sẽ là bóng ném bãi biển, kickboxing... Thực tế, các môn tổ chức vẫn sử dụng nguồn ngân sách được cấp cho Tổng cục trong kinh phí hoạt động hàng năm còn tiền tổ chức của Đại hội thể thao toàn quốc vẫn chưa về tới tài khoản. Tất cả chờ đợi sau khi hoàn tất xong các thủ tục của môn, việc quyết toán sẽ được sớm thực hiện.
Chúng tôi từng đặt câu hỏi rằng với việc hướng tới thực hiện tốt hơn về kinh tế thể thao trong tương lai, liệu công tác tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc sẽ không cần nguồn kinh phí nhà nước mà sẽ kêu gọi nguồn lực xã hội cùng đồng hành? Trả lời vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt chia sẻ “Hoạt động TDTT không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện và mang lại những ý nghĩa xã hội khác, nó còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP. TDTT tại nhiều quốc gia trên thế giới là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, được ví như ngành công nghiệp thể thao. Tuy nhiên, sẽ khó có thể nói rằng Đại hội thể thao toàn quốc thực hiện mà không cần nguồn kinh phí nhà nước. Đây là hoạt động của quốc gia và có tính chất quan trọng đối với ngành thể thao sau chu kỳ 4 năm/lần và không chỉ đánh giá ở kết quả huy chương mà còn là đánh giá về các kế hoạch phát triển thể chất, phát triển các chương trình thể thao. Vì vậy, nhà nước vẫn sẽ phân bổ kinh phí chính để thực hiện Đại hội”.
Kỳ Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, sự xuất hiện của các nhà tài trợ gần như không có. Mỗi định hướng và cách thức thực hiện của nhà quản lý đều dựa trên chiến lược vạch ra. Nếu làm tốt về kinh tế thể thao, mà ở đây một mảng quan trọng là kêu gọi thêm nguồn lực xã hội đồng hành tài trợ, chắc chắn ban tổ chức sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện nhiều hoạt động từ đó quảng bá rộng hơn Đại hội thể thao toàn quốc cũng như động viên trực tiếp tới người tham dự là HLV, VĐV.
Quy định chung, các môn thi đấu không có thưởng và ban tổ chức chỉ trao huy chương, cờ và bằng khen chứng nhận thành tích. Thưởng kết quả thi đấu do đơn vị chủ quản trao cho VĐV ở địa phương. Dù vậy, các liên đoàn, hiệp hội thể thao kêu gọi được nguồn xã hội hóa vẫn có thể trao thưởng cho VĐV ngay tại Đại hội. Đơn cử, các đội thi đấu bóng rổ được thưởng nếu giành HCV, HCB, HCĐ. Mới nhất, mỗi tấm HCV bóng rổ 5x5 (nam, nữ) đã được thưởng từ ban tổ chức môn này 30 triệu đồng. Hay ở môn rowing, sau khi kết thúc thi đấu, từng đơn vị đã trao thưởng nóng cho VĐV của mình ngay khi giành được kết quả ưng ý mà không cần chờ về tới địa phương.
Đại hội thể thao toàn quốc có 43 môn với 933 nội dung nên nếu thưởng thành tích, ban tổ chức sẽ phải có nguồn quỹ khá lớn. Do đó, tự từng môn đấu sẽ có sự kết hợp của Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của mình để có thưởng (hoặc không) phù hợp với nguồn tài chính đang có.