Trong khi đội xếp hạng Tư tại giải đấu sẽ tham dự trận play-off với một đại diện đến từ châu Phi (CAF) để tranh tấm vé vớt.
Môn bóng đá nam Olympic như... U23 World Cup
Có thể xem môn bóng đá nam Olympic giống như World Cup dành cho lứa tuổi dưới 23, với mốc thời gian tổ chức cũng bốn năm một lần. Bởi FIFA chỉ tuổi U20 World Cup, giải đấu trẻ cấp độ cao nhất của bóng đá thế giới. Những ngôi sao như Carlos Tevez, Javier Mascherano, Lionel Messi, Di Maria (Argentina), Dani Alves, Neymar (Brazil)... từng tranh tài ở Olympic và đầy trầy trật mới chạm được tấm huy chương vàng danh giá của môn thể thao đồng đội này.
Nên dễ hiểu vì sao các cầu thủ Argentina vui mừng như thể... vô địch khi đánh bại kỳ phùng địch thủ Brazil ở vòng loại hồi tháng 2, để giành một trong hai tấm vé của khu vực Nam Mỹ đến Olympic Paris 2024. Còn các đồng nghiệp bên phía Brazil đối diện với làn sóng phẫn nộ từ người hâm mộ, bởi họ đang là đương kim vô địch của giải đấu trên đất Tokyo ba năm về trước.
Điều tạo ra sự khắc nghiệt của môn bóng đá nam Olympic nằm ở chỗ giới hạn số lượng đội tham dự. Vì chỉ có 16 đội tuyển tranh tài ở Olympic Paris 2024, với một suất đặc cách thuộc về đội chủ nhà Pháp. Nên 15 tấm vé vượt qua vòng loại được phân bổ cho các khu vực châu u (3 suất), châu Á (3), châu Phi (3), Bắc Mỹ (2), Nam Mỹ (2), châu Đại Dương (1) và trận play-off giữa châu Á - châu Phi (1).
Số lượng đội tham dự Olympic chỉ bằng một nửa so với World Cup 2022, hoặc chỉ bằng hai phần ba so với U20 World Cup 2023, càng khiến vòng loại các khu vực luôn tồn tại yếu tố bất ngờ. Việc đương kim vô địch Brazil không thể đoạt tấm vé đến Pháp là một lát cắt như thế.
Khắc nghiệt hơn vòng loại World Cup khu vực châu Á
Trở lại với vòng chung kết Giải U23 châu Á 2024. Chỉ có 3,5 suất dự Olympic Paris 2024, nhưng có đến 16 đội cùng cạnh tranh. Trong khi 18 đội góp mặt từ vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ chọn ra 8,5 tấm vé đến Mỹ - Mexico - Canada sau đây hai năm. Hai giải đấu có trình độ khác nhau, nhưng tính cạnh tranh của U23 châu Á thì khắc nghiệt và gắt gao hơn.
Khác với mốc thời gian tổ chức Olympic (4 năm/lần), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức Giải U23 châu Á hai năm một lần để tạo ra sân chơi cho các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Trong đó, những năm nào có tổ chức Olympic thì AFC lấy thành tích ở Giải U23 châu Á cũng của năm đó xét thành tích cho vòng loại châu Á. Như mùa giải 2024 hiện tại.
Với các năm không tính thành tích cho vòng loại Olympic, thì các cường quốc của bóng đá châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Australia hay Qatar chỉ đội hình U21 tham dự. Nên cũng dễ hiểu vì sao mà đương kim vô địch Saudi Arabia, á quân Uzbekistan hay Nhật Bản vẫn còn phân nửa đội hình từng tham dự Giải U23 châu Á 2022. Những Giải U23 châu Á không xét thành tích vòng loại Olympic luôn tồn tại yếu tố bất ngờ như U23 Uzbekistan từng một lần vô địch ở mùa giải 2018 và về Nhì năm 2022, hay U23 Việt Nam từng đoạt ngôi á quân của năm 2018.
Còn mùa giải 2020, khi xét thành tích cho vòng loại Olympic Tokyo 2020, cả U23 Uzbekistan (đứng hạng Tư) và U23 Việt Nam (dừng bước từ vòng bảng) không thể tái hiện thành tích tương tự. Vì thế, các đội tuyển đến Qatar vào tháng 4 này sẽ mang lực lượng được xem tốt nhất với hy vọng cạnh tranh tấm vé dự Olympic Paris 2024. Khi các cường quốc đặt mục tiêu quyết tâm thì rất khó cho các đội hạng dưới tạo bất ngờ.
Từ Olympic Barcelona 1992 đến Olympic Tokyo 2020, bóng đá Hàn Quốc chưa vắng một kỳ Thế vận hội nào. Trong khi Nhật Bản đã 7 kỳ Olympic luôn góp mặt. Cả hai được đánh giá cao nhất để thêm một lần được tranh tài ở Olympic. Một lợi thế dành cho hai đội là nằm cùng chung một bảng đấu. Nếu thi đấu đúng sức thì cả hai chỉ tái đấu ở trận chung kết. Những cơ hội còn lại được chia đều cho U23 Qatar, U23 Saudi Arabia, U23 Uzbekistan...
Với U23 Việt Nam, để các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn tái hiện thành tích “Thường Châu tuyết trắng” như thế hệ đàn anh đã làm được vào năm 2018 gần như không có. Nhưng nằm chung bảng đấu với U23 Uzbekistan, U23 Kuwait và U23 Malaysia, việc vượt qua vòng bảng để tái hiện thành tích của năm 2022 được xem là thành công với toàn đội. Nhưng bằng khát khao cống hiến của người trẻ lẫn tinh thần dân tộc rất cao, Lương Duy Cương cùng đồng đội vẫn được quyền hy vọng nghĩ về những chiến tích của mình.