Giá trị của tính truyền thống

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm cuộc đua Cúp truyền hình TPHCM, ban tổ chức đã tạo nên một kỷ lục về số chặng đua và một lộ trình đặc biệt nhất từ trước đến nay để chặng đua lần thứ 30 có thể đi suốt chiều dài đất nước.
Giá trị của tính truyền thống
Để có một lộ trình “khủng” như vậy, ngoài việc nhận được sự hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ, cần phải nói đến quyết tâm của những nhà tổ chức. Tăng số chặng đua không đơn thuần là một phép cộng về mặt công việc, ngược lại, đó là phép nhân về sức lực phải bỏ ra, độ rủi ro trong công tác bảo vệ đoàn đua và cả những trở ngại khó lường về mặt thời tiết, cơ sở vật chất. Từ chỗ cuộc đua thường gói gọn thời gian trên dưới 20 ngày, thì tại giải năm nay, cuộc đua tăng gần gấp đôi số thời gian, điều mà ngay chính những nhà tổ chức thừa nhận: chưa từng có tiền lệ.
Nhưng, đó chính là giá trị của truyền thống. Dù trên thế giới chưa từng có cuộc đua nào dài ngày, nhiều chặng như vậy nhưng với kinh nghiệm gần 30 năm tổ chức, hoàn toàn có thể tin rằng giải xe đạp Cúp truyền hình TPHCM sẽ về đến đích an toàn. Cùng với giải bóng bàn Cây vợt  vàng, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức, thì Cúp truyền hình là một trong số hiếm hoi những giải thể thao duy trì được “phong độ”. 
Nhưng mặt khác, nhìn từ các giải thể thao nói trên, cũng thấy những điều đáng buồn cho thể thao Việt Nam. Trong khoảng 10 năm qua, số giải đấu có tính truyền thống rơi rụng dần, tỷ lệ nghịch với sự phát triển về mặt thành tích của thể thao đỉnh cao cũng như những yếu tố kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính lại không nằm ở phía xã hội, ngược lại, nằm ở sự mất ổn định của các tổ chức quản lý thể thao. 
Hãy lấy ví dụ: Để tổ chức Cúp truyền hình với số lượng chặng đua như vậy, thành công lệ thuộc vào số lượng đội tham gia. Ban tổ chức không thể tổ chức chặng đua cho vài chục VĐV tham dự hoặc ngược lại đông đảo về số lượng nhưng lại không đồng đều về chất lượng, thiếu tính cạnh tranh. Tuy nhiên, việc phát triển môn xe đạp không phải là nhiệm vụ của các nhà tổ chức Cúp truyền hình. Họ góp một tay  xây dựng một giải đấu nhưng mọi thứ sẽ vô nghĩa nếu phong trào không lớn mạnh.
Xe đạp là một trong số ít các môn thể thao đỉnh cao tại Việt Nam giữ được sự ổn định, trong khi nhiều  môn mang tính đại chúng khác như bơi, bóng bàn, quần vợt... lại đang ngày một thiếu sức hút. Trong bối cảnh mà các VĐV của chúng ta quanh năm tập luyện nhưng lại thiếu các đấu trường để cọ xát, kiểm tra thì việc duy trì những giải có truyền thống mang rất nhiều ý nghĩa. Nó tạo động lực cho việc đào tạo VĐV trẻ cũng như dễ thu hút các nhà tài trợ. Để tạo ra một giải đấu có truyền thống, không thể năm nay làm, năm sau không làm, thế nên rất cần sự năng động của các liên đoàn, tổ chức quản lý thể thao.
Nói đâu xa, ngay như bóng đá, môn thu hút  các nguồn lực xã hội nhiều nhất mà cũng đang rối bời. Trước các đại hội nhiệm kỳ nào cũng xảy ra tranh cãi nội bộ, kể cả khi vừa có được thành công lớn từ đội U.23 Việt Nam. Thất bại, cũng cãi nhau; thành công, cũng cãi nhau. Chính sự thiếu ổn định ở thượng tầng là một trong những lý do khiến cho nhiều doanh nghiệp nản lòng khi đầu tư bóng đá, rồi các nhà tài trợ cũng chỉ dám ký hợp đồng từng năm…
Bài học của Cúp truyền hình TPHCM hay giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam rất rõ ràng: Đó là sự cộng hưởng của đam mê, trách nhiệm của một đơn vị xã hội cùng với sự nhiệt tâm của các nhà quản lý.

Tin cùng chuyên mục