Không bao gồm Đức (Hiện có 2 cầu thủ sinh ra ở miền Đông), 11 trong số 24 đội tại Euro sẽ đến từ khối Liên Xô cũ, trái ngược với 8 đội vào năm 2020 và 2016. Thậm chí, ở Euro 2012 dù có hai đội chủ nhà là Ba Lan và Ukraine, thì chỉ có tổng cộng 5/16 đội đến từ phía Đông vào năm 2012. Trước đó, con số là 5 vào năm 2008, 2004 và 1996, cũng như 4 vào năm 2000.
Ở từng giải đấu, cũng đã có những quốc gia Đông Âu cũ gây ấn tượng: CH Séc năm 1996 và có lẽ còn hơn thế nữa vào năm 2004, Nga năm 2008, Croatia nhiều lần. Nhưng Euro 2024 là lần đầu tiên mà gần một nửa số đội góp mặt thuộc về khối Xô Viết cũ. Điều đó một phần có thể liên quan đến việc mở rộng giải đấu lên 24 đội, khi mà các quốc gia phía Tây Âu không tăng lên nhiều vì các biến động địa chính trị. Kế đến, giải đấu phụ Nations League cung cấp một con đường tắt cho một đội đang có phong độ cao nhưng với hệ số thấp, thay vì phải cải thiện từ từ, tiến từ nhóm hạt giống này sang nhóm hạt giống khác thì nay họ có thể đi nhanh hơn đến với cuộc chơi đỉnh cao. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi những nền bóng đá nhỏ nhưng có di sản bóng đá, thường là một phần của một thực thể lớn hơn (Các nước từ Liên Xô cũ hay Liên bang Nam Tư).
Sau năm 1989, các học viện nhà nước từng đào tạo cầu thủ chủ lực bị mất nguồn tài trợ. Romania và Bulgaria năm 1994, Croatia năm 1996 và 1998, thậm chí cả đội Dynamo Kyiv đã lọt vào bán kết Champions League năm 1999, đều là những gì ưu tú còn sót lại trên cơ chế bao cấp thể thao. Nhưng sau đó là sự khan hiếm khi bóng đá bắt buộc phải tự kiếm tiền hoạt động. Thời gian trôi qua, mọi thứ đã đến lúc thay đổi.
Sự trỗi dậy của Hungary có lẽ là ấn tượng nhất. Thời kỳ hoàng kim khi họ lọt vào vòng chung kết World Cup năm 1938 và 1954 đã lụi tàn từ lâu. Phải đến khi thủ tướng Víktor Orban khuyến khích đầu tư vào bóng đá đồng thời thành lập một học viện ở quê nhà Felcsut, đến năm 2010, hơn 40 sân vận động đã được xây dựng hoặc cải tạo, bao gồm cả Puskas Arena có sức chứa 65.000 chỗ ngồi sẽ tổ chức trận chung kết Champions League vào năm 2026. Có tổng cộng thêm 1.590 sân mới đã được xây dựng và 2.800 sân khác được tân trang lại. Kết quả là một sự đi lên rõ rệt. Năm 2016, Hungary lọt vào giải đấu lớn đầu tiên sau 30 năm và đã đủ điều kiện tham dự cả hai Euro kể từ đó. Đội tuyển quốc gia tăng từ vị trí thứ 32 lên thứ 24 trên bảng xếp hạng UEFA.
Bức tranh ở Serbia cũng tương tự, nếu không muốn nói là quá kịch tính. Hai CLB lớn ở Belgrade, Red Star và Partizan, đã nhận được sự hỗ trợ của nhà nước trong những năm gần đây. Red Star còn được hưởng lợi nhiều hơn từ hợp đồng tài trợ béo bở với Gazprom và cả hai đều tập trung vào học viện của mình. Kết quả là vào năm 2021, hãng thống kê bóng đá CIES đã xếp Serbia đứng thứ sáu trên toàn cầu về khả năng “sản xuất” cầu thủ dù giải VĐQG Serbia được UEFA xếp thứ 19 châu Âu.
Georgia sẽ là đội có thứ hạng thấp nhất ở Đức và ngay cả khi họ kết thúc vòng loại sau Tây Ban Nha, Scotland và Na Uy. Họ đến Euro 2024 bằng “cửa” Nations League. Chiến lược tập trung cho bóng đá trẻ của họ là điều đáng chú ý. Georgia đã tổ chức các giải đấu U19 và U21 của châu Âu trong bảy năm qua. Số lượng cầu thủ nam chơi môn thể thao này đã tăng gấp 2,5 lần trong thời gian đó (và số lượng cầu thủ nữ tăng gấp 10 lần) thông qua đầu tư, một phần từ khoản tài trợ của UEFA để cải thiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc giải VĐQG Georgia đứng thứ 46 trên 55 ở châu Âu cho thấy vẫn còn một chặng đường phía trước.
Nếu sự trỗi dậy của Hungary và ở mức độ thấp hơn là Serbia và Georgia có vẻ bền vững dựa trên nền tảng vững chắc thì Albania lại không như vậy. Họ đã thắng 1 trong 11 trận vào năm 2022, nhưng được truyền cảm hứng từ HLV của họ, cựu hậu vệ cánh của Arsenal, Sylvinho, người đã tạo ra chuỗi 8 trận bất bại để đứng đầu bảng vòng loại. Dù giải vô địch của Albania xếp thứ 47 UEFA nhưng đội tuyển của họ lại có nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài. Đây là chi tiết khiến cho việc đánh giá sức mạnh của Albania trong tương lai vẫn còn nhiều bấp bênh.