FIFA: Các tân binh World Cup nữ 2023 phải làm việc chăm chỉ nếu muốn vượt qua vòng bảng

World Cup nữ 2023 đánh dấu 8 đội tuyển nữ Haiti, Morocco, Panama, Philippines, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Ireland, Zambia và Việt Nam có lần đầu tiên đến với ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh.
Đội tuyển nữ Việt Nam có lần đầu tiên tham dự World Cup nữ 2023
Đội tuyển nữ Việt Nam có lần đầu tiên tham dự World Cup nữ 2023

Theo bài đăng vào sáng 19-7 (giờ Việt Nam) của FIFA, có một số đội thuộc nhóm tân binh kể trên đang nuôi ước mơ lọt vào vòng loại trực tiếp. Song kênh truyền thông của cơ quan này cũng nhận định: “Nếu dựa vào yếu tố lịch sử ở các kỳ World Cup nữ gần nhất, thì các đội có lần đầu ra mắt sẽ phải làm việc rất chăm chỉ, để có thể biến giấc mơ đó thành hiện thực”.

FIFA lấy số liệu từ kỳ World Cup nữ tổ chức ở Mỹ vào năm 2003 và cho đến World Cup nữ 2019, đã có tổng cộng 17 đội “được gọi tân binh” ở giải đấu. Song chỉ có 3 đội vượt qua vòng bảng trong kỳ World Cup nữ đầu tiên tham dự. Đó là Thụy Sĩ, Hà Lan và Cameroon - tất cả cùng tạo nên kỳ tích trên đất Canada vào năm 2015.

Năm đó, World Cup nữ nâng tổng số đội tham dự từ 16 lên 24, và đặc biệt mở ra cơ hội đi tiếp dành cho 4 đội xếp thứ 3 vòng bảng có thành tích tốt nhất. Thụy Sĩ và Hà Lan đã tận dụng được cơ hội dành cho đội xếp thứ 3 này để giành vé vào vòng 1/8. Trong khi Cameroon đi tiếp nhờ đứng nhì vòng bảng với 6 điểm, và đại diện châu Phi cũng là đội tân binh có thành tích tốt nhất trong thế kỷ XXI. Đó là một phần lý do mà FIFA nhận định, 8 đội tân binh ở World Cup nữ 2023 gặp nhiều khó khăn hơn, vì mỗi bảng đấu chỉ lấy 2 đội xếp nhất, nhì lọt vào vòng đấu loại trực tiếp.

Cùng với đội tuyển nữ Việt Nam, Philippines là một trong 2 đại diện Đông Nam Á có lần đầu ra mắt World Cup nữ.

Cùng với đội tuyển nữ Việt Nam, Philippines là một trong 2 đại diện Đông Nam Á có lần đầu ra mắt World Cup nữ.

Ngoài ra, FIFA cũng liệt kê có 11 đội lần đầu tham dự World Cup nữ không giành được chiến thắng nào ở vòng bảng. Chỉ có 6 đội đã giành chiến thắng trong lần ra mắt, gồm Pháp tại World Cup nữ 2003 ở Mỹ; Thụy Sĩ, Hà Lan, Cameroon và Thái Lan tại World Cup nữ 2015 ở Canada và Chile tại World Cup năm 2019 ở Pháp.

Còn điểm số trung bình của các đội tân binh ở vòng bảng World Cup nữ là 1,65 điểm.

Yếu tố lịch sử ở World Cup nữ rõ ràng không ủng hộ đội tuyển nữ Việt Nam. Càng khó hơn khi thầy trò HLV Mai Đức Chung nằm chung bảng đấu với đương kim vô địch Mỹ, á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha. Song việc giành được tấm vé đến với ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh năm nay của Huỳnh Như cùng đồng đội đã là một chiến công vang dội, sẽ được nhắc mãi về sau, và để trở thành bàn đạp cho sự tiến bộ trong tương lai của bóng đá nữ nước nhà.

Tin cùng chuyên mục