Với nam giới Hàn Quốc, việc giành huy chương vàng tại Asian Games hay Olympic không chỉ mang lại vinh dự mà còn được miễn nghĩa vụ quân sự. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam giới ở Hàn Quốc, hầu hết những người có đủ sức khỏe đều phải phục vụ trong quân đội trong 18 tháng trước 28 tuổi. Tuy nhiên, luật pháp Hàn Quốc cho phép những người đàn ông được coi là xuất sắc trong thể thao, văn hóa đại chúng, nghệ thuật hoặc trình độ học vấn cao hơn được hoãn nghĩa vụ quân sự cho đến tuổi 30.
Luật này đã tác động đến sự nghiệp của một số tên tuổi lớn nhất đất nước, bao gồm cả nhóm nhạc lừng danh toàn cầu BTS. Ba thành viên BTS hiện đang phục vụ trong quân đội, trong đó thành viên nhóm nhạc SUGA đã bắt đầu nghĩa vụ vào ngày 22-9. Tuy nhiên, nghĩa vụ bắt buộc có thể được miễn đối với một số VĐV giành huy chương Olympic hoặc huy chương vàng tại Asiad./ Trường hợp được biết đến nhiều nhất gần đây là ngôi sao Son Heung-min, đội trưởng Tottenham Hotspur, đã được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2018 sau khi giúp Hàn Quốc thắng HCV môn bóng đá nam.
Và tranh cãi cũng xảy ra từ đó.
Đối với game thủ, việc đạt được thành công trên đấu trường quốc tế có thể dẫn đến kết quả tương tự. Vấn đề là có những xung đột nhất định về mặt cảm quan khi xảy ra tình huống bất thường là đàn ông Hàn Quốc được miễn nghĩa vụ quân sự khi chơi game. Đó rõ ràng là một vấn đề gây tranh cãi, cũng như việc Esports có phải là một môn thể thao hay không vậy. Hơn nữa, qui định miễn nghĩa vụ quân sự vốn dĩ đã không nhận được sự đồng thuận tại Hàn Quốc chứ chẳng đội đến trường hợp của Esports.
Trong một cuộc khảo sát năm 2019 do cơ quan thăm dò ý kiến của đất nước, Realmeter thực hiện sau Asiad 2018, thì có 55,2% ủng hộ các CĐV trong khi 36,6% phản đối. Cũng vì điều này mà câu chuyện của Esports chủ yếu được giới trẻ ủng hộ: “Thời thế thực sự đã thay đổi. Esports nên nhận được sự xem xét pháp lý tương tự về việc miễn nghĩa vụ quân sự”, Shin Min-gu, một cư dân Seoul ở độ tuổi 20, nói với CNN Sport. Cũng theo Shin: “Thể thao điện tử có nguồn gốc từ Hàn Quốc và quá phổ biến”. Một bạn trẻ khác là Kim Sa-hee nói với CNN: “Vì đất nước đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong thể thao và với việc Esports được công nhận là một sự kiện chính thức, nên việc các quyền lợi miễn nghĩa vụ quân sự được mở rộng như nhau cho những người chơi này là điều hợp lý”.
Nhưng cũng có nhiều người nghĩ khác, đặc biệt là tầng lớp trung niên: “Tôi tin rằng mọi người nên hoàn thành nghĩa vụ quốc phòng của mình. Mặc dù tôi thừa nhận rằng các VĐV giành HCV ở Asiad đã nâng cao vị thế của đất nước chúng tôi, nhưng tôi nghĩ thành tích của họ vẫn khác biệt với nghĩa vụ quân sự” Lee Kyung-dae, một chủ doanh nghiệp 35 tuổi ở Seoul đưa quan điểm.
Hôm 27-9 vửa qua, game thủ nổi tiếng nhất Hàn Quốc có biệt danh là Faker đã cùng đồng đội đoạt HCV ở nội dung thi Liên minh huyền thoại. Cũng trong môn này, Việt Nam xếp hạng 4. Faker và đồng được được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự, chỉ phải hoàn thành 544 giờ phục vụ cộng đồng trong vòng 34 tháng bằng cách sử dụng “các kỹ năng riêng biệt” của họ. Trong khi đó, Kim Gwan-woo của Hàn Quốc đã giành chiến thắng trong trận chung kết Street Fighter V vào thứ Năm, mang về chiếc HCV thứ 2 cho Hàn Quốc nhưng vì Kim đã 44 tuổi nên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc của mình.
Cũng cần nói một chút về Esports. Quyết định quan trọng đưa thể thao điện tử trở thành một sự kiện tranh huy chương chính thức đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Trò chơi điện tử đã là một hình thức giải trí được yêu thích trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1990, vị thế của trò chơi điện tử đã được nâng lên một tầm cao mới, với một số trò chơi đã thành lập các giải đấu chuyên nghiệp và giành được danh hiệu thể thao điện tử (Esports). Hàn Quốc thường được ca ngợi là quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc biến trò chơi điện tử ngành công nghiệp thể thao điện tử chuyên nghiệp toàn cầu như chúng ta biết ngày nay. Đỉnh cao của giải đấu mang tính cạnh tranh là “Giải vô địch thế giới Liên minh huyền thoại”, bắt đầu với tám đội trong ba ngày vào năm 2011 và từ đó đã mở rộng thành cuộc thi gồm 22 đội kéo dài hơn một tháng thi đấu cho phiên bản 2023. Faker, được nhiều người coi là tuyển thủ Liên minh vĩ đại nhất mọi thời đại, với 3 chức vô địch thế giới và 10 chức vô địch quốc gia.
Faker |
Tác động của Faker đối với thế giới Esports thường được so sánh với một số VĐV lớn nhất trong lịch sử. Trận chung kết năm 2022 giữa đội DRX và T1 của Hàn Quốc đã lập kỷ lục mới về lượng người xem cao nhất, với hơn 5,1 triệu người xem đồng thời theo dõi trên nhiều nền tảng khác nhau. Còn theo một báo cáo gần đây của PwC, Esports là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành giải trí toàn cầu, với tổng doanh thu là 227 tỷ USD vào năm 2023. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 312 tỷ USD vào năm 2027.
Tencent, công ty mẹ của Riot Games, đã báo cáo doanh thu 23,28 tỷ USD vào năm 2022 và Microsoft Studios đã tạo ra khoảng 16,2 tỷ USD thông qua Xbox Game Studios trong cùng kỳ. Để so sánh, toàn bộ thị trường âm nhạc ghi âm toàn cầu đã tạo ra doanh thu 26,2 tỷ USD vào năm 2022 theo Liên đoàn Công nghiệp Máy ghi âm Quốc tế.
Vào tháng 6, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã tổ chức Giải đấu thể thao điện tử Olympic, mở ra khả năng để Esports trở thành môn thi đấu ở Olimpic trong tương lai.