Đầu tiên là vui vì đất nước đăng cai một sự kiện ở đẳng cấp cao nhất thế giới. Kế đến, tự nhiên sẽ bật trong đầu câu hỏi: F1 là gì? Xem như thế nào? Nghĩa là niềm vui ấy vừa gần mà vừa xa.
Ở Việt Nam, xem đua mô tô theo cách chính thức cũng đã khó dù mô tô là “đôi chân thứ 2” của người Việt. Chính vì vậy, việc Hà Nội tổ chức một vòng đua F1 có khi sẽ nhanh chóng bị quên ngay trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng ở góc độ rộng hơn, thì đây lại là một sự kiện có ý nghĩa. Chúng ta rất dễ nghi ngờ về tính hiệu quả trong kinh doanh của vòng đua F1 ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, cho đến tận thời điểm này, chưa từng có một sự kiện ở đẳng cấp cao nhất của thế giới được tổ chức định kỳ tại Việt Nam, xét trên nhiều lĩnh vực. Để đo lường hiệu quả của sự kiện F1, thì dùng một lăng kính lớn hơn, đặc biệt là khía cạnh du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước. Tất nhiên, kết quả của những tính toán ấy ra sao thì cũng phải đợi đến khi sự kiện diễn ra mới có câu trả lời chính xác.
Thể thao Việt Nam không thiếu các sự kiện tầm cỡ đã được tổ chức. SEA Games 2003, Asian Indoor Games 2009, các giải đấu thế giới ở một số môn thi đấu… nhưng một sự kiện có tính toàn diện cả về thi đấu lẫn tổ chức, lại hoàn toàn chuyên nghiệp với những yêu cầu khắt khe và đồng nhất về kỹ thuật, quy tụ những tài năng lớn nhất của thế giới thì chưa có. Sự hiện diện của Grand Prix F1 có thể nói là lần đầu tiên giới thể thao Việt Nam được tiếp cận với trình độ tổ chức cao nhất, theo một cách trực tiếp nhất. Khác hẳn với việc xây dựng các công trình, đào tạo vận động viên, công nghệ tổ chức đỉnh cao không phải cứ quyết tâm là sở hữu được. Nó phụ thuộc khả năng và thời gian trải nghiệm của chúng ta. Với một nền thể thao chỉ mới dừng ở mức bán chuyên như tại Việt Nam, tổ chức Grand Prix F1 là một cơ may không dễ gì có được.
Để dễ hình dung hơn, hãy nói đến bóng đá Việt Nam. Sự kiện người hâm mộ đón chào các tuyển thủ U.23 Việt Nam trở về từ Thường Châu - Trung Quốc hồi đầu năm đã cho thấy giá trị của một chiếc HCB tại châu lục. Rồi cũng từ nền tảng ấy, đội tuyển Olympic chơi tự tin tại Asiad để tiếp tục thiết lập những cột mốc mới ở đẳng cấp cao. Đó là kết quả của một loạt sự trải nghiệm liên tục trước đó mà bóng đá Việt Nam đã được kiểm chứng ở những giải U.19 châu Á, U.20 World Cup. Thành công không tự nhiên mà có, cũng không thể trông đợi vào may mắn, mà cần phải có những tham vọng lớn lao.
Có một thời gian, bóng đá Việt Nam cứ loay hoay với câu hỏi: làm sao để có chiếc HCV SEA Games? Thực tế đã trả lời: Ngay cả khi chúng ta vừa bị loại tại vòng đấu bảng ở SEA Games 2017 thì cũng với những cầu thủ đó, chúng ta vẫn có thể vươn đến ngôi đầu châu lục. Nếu cứ đặt ra mục tiêu phải vô địch SEA Games trước khi nghĩ đến chuyện vươn ra châu Á thì có lẽ chẳng biết đến bao giờ mới thực hiện được mục tiêu lọt vào tốp 10 châu lục như Chiến lược phát triển bóng đá mà Chính phủ đã phê duyệt.
So sánh thì khập khiễng nhưng đâu có ai nói một đất nước không có tay đua F1 nào thì không có quyền tiếp cận với vòng đua danh giá ấy và tương tự, bóng đá Việt Nam nếu không thắng ở SEA Games thì sẽ không thể vô địch U.23 châu Á. Bản chất của vấn đề nằm ở tham vọng trong mỗi mục tiêu đặt ra. Đăng cai một chặng đua F1 là cơ hội rất giá trị để quảng bá quốc gia và thúc đẩy nền sản xuất xe trong nước. Cố gắng tạo một chiến tích trên đỉnh cao của bóng đá châu lục cũng sẽ truyền cảm hứng cho hệ thống đào tạo, cho công cuộc cải tổ giải vô địch quốc gia cũng như thúc đẩy đầu tư của xã hội cho bóng đá.