Đừng lệ thuộc công nghệ!

Thực trạng hiện nay cho thấy một phần cộng đồng ít nhiều bị “nghiện” công nghệ số và internet, thể hiện trực tiếp qua những chiếc smartphone, tablet, qua những mạng xã hội như Facebook mà chúng ta đang dần lệ thuộc vào chúng. Sức mạnh to lớn của công nghệ số đủ khiến chúng ta phải yêu thích nó, nhưng liệu tình yêu đó có đang quá giới hạn bình thường?

Thực trạng hiện nay cho thấy một phần cộng đồng ít nhiều bị “nghiện” công nghệ số và internet, thể hiện trực tiếp qua những chiếc smartphone, tablet, qua những mạng xã hội như Facebook mà chúng ta đang dần lệ thuộc vào chúng. Sức mạnh to lớn của công nghệ số đủ khiến chúng ta phải yêu thích nó, nhưng liệu tình yêu đó có đang quá giới hạn bình thường?

Ảnh: Đỗ Xuân Bút

Thực tế, việc nghiện sử dụng máy tính và internet bấy lâu nay vẫn thường bị áp đặt cho những cô bé, cậu bé nghiện chơi game quá độ. Nhiều nơi trên thế giới, người ta có hẳn những trung tâm “chữa trị” người bị nghiện chơi game máy tính. Tại Hàn Quốc, người ta thống kê tới 1/10 số trẻ em độ tuổi 10-19 bị nghiện “online” nghiêm trọng. Sự tác động của bạn bè, sự thiếu quan tâm của cha mẹ khiến các cô bé, cậu bé tìm đến các thiết bị công nghệ như một sự bù đắp về tinh thần. Ở đó, chúng có được sự quan tâm, sự chia sẻ từ cộng đồng dù chỉ là kết nối ảo. Đừng nghĩ chỉ có trẻ nhỏ, ngay cả những ông bố, bà mẹ cũng đang trở thành một phần của sự thay đổi đó. Sẽ không quá hiếm gặp cái cảnh những ông bố, bà mẹ suốt ngày bận rộn xung quanh điện thoại, email, tin nhắn của họ. Điều đáng buồn cười là, chính họ là những người đang dạy con cái mình việc phải cẩn thận với sự ảnh hưởng của công nghệ như chơi game hoặc sử dụng điện thoại.

Thực tế, việc “nghiện” công nghệ chưa được công nhận chính thức là một bệnh lý trong y học. Chỉ có điều sự ảnh hưởng của nó đến tâm sinh lý của “bệnh nhân” khiến người ta phải có các trung tâm điều trị và cả quy trình điều trị cho họ. Tác hại của việc “nghiện” này đang ngày một lớn hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng quá mức công nghệ nói chung và internet nói riêng sẽ tạo ra sự phụ thuộc, thậm chí là “nghiện” về cả tinh thần và thể chất. Vậy nên, thế giới công nghệ ngày nay đã và đang thay đổi hoàn toàn cách mà chúng ta tương tác với xã hội. Về lâu dài, nó còn gây ra các mối nguy hại cho sức khỏe của con người.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đang xem việc sử dụng thiết bị công nghệ và internet chỉ là “thói quen”, chẳng ai muốn thừa nhận là mình đang bị "nghiện" cả dù ai cũng biết điều đó. Việc sử dụng công nghệ quá nhiều có thể gây căng thẳng đầu óc, ảnh hưởng đến thị lực và thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc. Nếu bạn là một người làm việc thường xuyên với máy tính, chắc hẳn bạn không lạ gì với việc chóng mặt, mỏi mắt, đau lưng sau một ngày làm việc. Với những “con nghiện” game và mạng xã hội, vấn đề còn tệ hơn thế. Họ sẵn sàng dành nhiều ngày để đi săn “boss”, hàng giờ để chat với những người bạn ảo nhưng lại chẳng thể dành quá vài phút để nói chuyện cùng những người bạn thật ngoài đời hay gia đình.

Không phải ai khác mà chính chúng ta là những người cần hành động để giải quyết vấn đề này. Nên tạo ra các trung tâm phục hồi cho thanh thiếu niên “nghiện” công nghệ và internet. Gần gũi hơn, chính các hành động nhỏ trong gia đình cũng sẽ giúp mọi người bớt thời gian dành cho các sản phẩm công nghệ và tránh được tác hại của chúng. Với các trẻ còn quá bé, lời khuyên của các nhà khoa học là không nên để cho các bé tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính... Sóng của điện thoại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, cũng như việc tiếp xúc với các màn hình điện tử quá sớm có thể dẫn đến việc trẻ bị suy yếu về thị lực.

Với những cô cậu thanh thiếu niên, vấn đề cần được giải quyết tinh tế hơn. Những ông bố, bà mẹ nên cân nhắc việc tiếp xúc với con cái nhiều hơn, hiểu chúng hơn. Những chiếc smartphone và máy tính hoàn toàn có thể được dùng cho mục đích tốt nếu những cô bé, cậu bé được hướng dẫn từ cha mẹ của chúng. Nhưng giải pháp tốt nhất vẫn là nên hạn chế sự có mặt của thiết bị công nghệ trong thói quen sinh hoạt của gia đình. Công nghệ số và sức mạnh của nó không có gì là xấu cả, chỉ có điều chúng ta sử dụng chúng như thế nào mà thôi. Hãy sử dụng công nghệ, chứ đừng lệ thuộc vào nó.

Quân Bình

Tin cùng chuyên mục