Đừng dùng toa thuốc của… hàng xóm

Không cần phải là thầy thuốc, ai cũng hiểu muốn thuốc có được hiệu quả tối ưu phải đúng chỉ định, đúng liều lượng. Ấy thế mà y sĩ đoàn ở Đức mới đây lại phải khuyến cáo ngay cả giới thầy thuốc về cách dùng… thuốc! Liệu đó là việc khẩn thiết ở xứ người còn ở nước mình chỉ là chuyện trà dư tửu hậu?

Không cần phải là thầy thuốc, ai cũng hiểu muốn thuốc có được hiệu quả tối ưu phải đúng chỉ định, đúng liều lượng. Ấy thế mà y sĩ đoàn ở Đức mới đây lại phải khuyến cáo ngay cả giới thầy thuốc về cách dùng… thuốc! Liệu đó là việc khẩn thiết ở xứ người còn ở nước mình chỉ là chuyện trà dư tửu hậu?

Cho thuốc theo ký, đừng theo tuổi!

Theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế bên Đức, không dưới 40% bệnh nhi vẫn đang “bị” điều trị theo kiểu nếu người lớn cần 1 viên thì trẻ con dưới 12 tuổi uống 1/2 viên! Khỏi nói dông dài cũng thừa hiểu đây là cách áp dụng thuốc nghịch lý vì tác dụng của thuốc không chỉ tùy thuộc khả năng biến dưỡng để thuốc đừng bị biến thể mà còn tùy thuộc nhiều điều kiện khác, chẳng hạn trọng lượng của người uống thuốc. Nếu thuốc đến được tay người tiêu dùng nhờ đã được nghiên cứu dựa theo trọng lượng thì nguyên tắc này phải được tôn trọng cho mọi bệnh nhân, tất nhiên càng gắt gao hơn nữa với trẻ con vì cơ thể trẻ vừa mong manh lại nhạy cảm hơn người lớn. Không cần học nhiều cũng hiểu trẻ tuy cùng 6 tuổi nhưng suy dinh dưỡng tất nhiên không thể dung nạp lượng thuốc như ở trẻ béo phì. Thế thì nói chi chuyện nước người cho xa vời, nếu chỉ tính ngay trong ngày hôm nay ở xứ mình, thử hỏi có bao nhiêu toa thuốc cho bệnh nhi đã được thiết kế dựa theo trọng lượng của bé, hay vẫn theo kiểu chia đôi, chia ba phỏng chừng.

Cho thuốc tùy người, đừng theo chứng!

Nhỏ đã không tha dễ gì già chịu bỏ. Người cao tuổi vì khó tránh phải được điều trị bệnh nào đó, thậm chí nhiều bệnh, nên cũng là nhóm đối tượng dễ là nạn nhân của việc dùng thuốc với hậu quả lắm khi tệ hại hơn hơn không dùng thuốc. Theo khảo sát của Đại học Wuppertal, 90% người đã ăn lễ lục tuần “tiêu thụ” mỗi ngày tối thiểu 3 loại thuốc, khoảng 40% số người từ tuổi 70 đang phải uống 5 - 8 thứ thuốc mỗi ngày và không dưới 20% thậm chí không kịp giờ uống thuốc vì ngày nào cũng phải dùng trên 10 loại thuốc. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn nữa ở xứ mình vì bệnh nhân được điều trị cùng lúc bởi nhiều thầy thuốc chuyên khoa, người lo bệnh tim, kẻ chữa thấp khớp, nhưng mạnh ai nấy chữa, thay vì cùng nhau hội ý. Hậu quả là không ít bệnh nhân uống một loại thuốc nào đó nhưng quá liều chỉ vì tất cả “thầy” không hẹn mà cho thuốc tuy cùng hoạt chất nhưng khác tên thương mại khiến “trò” đã mệt vì bệnh lại phải ngất ngư vì… thuốc, vì dùng thuốc gấp đôi, gấp ba liều cần thiết.

Đừng quên là thuốc không chỉ dễ mất hiệu quả vì tác dụng tương tác khó lường khi trộn xà ngầu. Tiến trình đào thải thuốc trong cơ thể người cao tuổi bao giờ cũng chậm hơn ở người trẻ. Tình trạng ngộ độc thuốc do dùng thuốc bừa bãi ở người già vì thế chỉ là chuyện sớm muộn. Ngành y tế ở các nước châu Âu không thể vô cớ mà đồng thanh báo động là bệnh do độc tính của thuốc ở người cao tuổi thậm chí nhiều khi trầm trọng hơn căn bệnh nguyên thủy. Dược phòng vì thế có trách nhiệm đối chiếu toa thuốc để phát hiện kịp thời tình trạng dùng thuốc theo kiểu tự mình mua một tặng một.

Đó là chưa kể đến chuyện thuốc tác dụng vì dùng hoài một thứ không đổi. Thử hỏi có bao nhiêu người cao tuổi ở xứ mình đang dùng thuốc theo kiểu một toa xài hoài, hay thậm chí mượn toa của hàng xóm?!

Lắm thầy chỉ còn một ma!

Ông bà dạy “lắm thầy nhiều ma”, nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ. Bệnh nhân cao tuổi nếu “bị” điều trị cùng lúc bởi nhiều thầy, nhưng không thầy nào thèm biết nhau, sớm muộn chỉ còn lo mỗi một ma. Đó là ma… chay! Paracelsus ắt hẳn đã có lý do chính đáng khi nhiều lần quả quyết “thuốc tốt hay thuốc độc là do liều lượng”. Thuốc nào cũng là dao 2 lưỡi, kể cả thuốc bổ. Chỉ tội nghiệp cho nhiều người bệnh đang phải trả tiền để nắm dao đằng… lưỡi.

Góc tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Tin cùng chuyên mục