Hôm nay, 1-2, Ban tổ chức (BTC) sân Thống Nhất sẽ có buổi họp với các bên liên quan từ sau trận đấu giữa Sài Gòn FC - Thanh Hóa ở vòng tứ kết Cúp Quốc gia vừa qua đồng thời chuẩn bị đối phó với các tình huống bạo lực sân cỏ tương tự. Trước mắt là trận Sài Gòn FC - Hải Phòng vào cuối tuần này mà CĐV đội khách vốn từng gây nhiều vất vả cho các BTC sân thi đấu trước đây.
Sân Thống Nhất khó tránh khỏi án phạt tiền từ BTC giải, thậm chí cả việc cảnh cáo nếu tái phạm và sẽ bị “treo sân”. Dù đã làm tốt nhiệm vụ giữ an toàn trong cũng như sau trận đấu, nhưng vẫn không tránh khỏi sự cố đáng tiếc khi xe chở đội khách bị ném đá vỡ kiếng dẫn đến trường hợp có cầu thủ bị chấn thương.
Ông Trần Đình Huấn, Giám đốc Trung tâm Thể thao Thống Nhất cho biết buổi họp sáng nay sẽ bao gồm các thành phần và sẽ có sự hiện diện của cả 3 đội bóng của TPHCM để cùng phối hợp tổ chức tốt hơn trong các trận đấu tới. Hiện tại, các đội bóng thành phố chủ yếu chỉ bán vé ở khu vực khán đài A và mở cửa tự do ở các khán đài còn lại. Phương án để làm tốt công tác an ninh là nên phát hành vé mời để dễ quản lý hơn, ông Huấn cho biết. Bên cạnh đó, khả năng tăng cường thêm lực lượng cảnh sát, vệ sĩ… cũng được tính tới bởi con số trung bình 1 trận khoảng 100 người, nhưng sẽ linh động tăng hoặc giảm tùy theo mức độ của từng trận đấu. Riêng trận Sài Gòn FC - Hải Phòng sẽ được tăng cường thêm kể cả công an phường, dân phòng.
Những biện pháp an ninh chỉ là giải pháp tình thế và công bằng mà nói, không thể trận đấu nào cũng dày đặc các lực lượng bảo vệ thì mới bảo đảm an toàn. Lấy ví dụ như trận Sài Gòn FC - Thanh Hóa, có nguyên nhân đến sự quá khích của các cầu thủ đội khách, kích động khán giả chủ nhà gây nên sự cố bên ngoài sân mà các lực lượng hiện hữu khó lòng quán xuyến hết được.
Như chúng tôi đã đề cập, ngay như trường hợp sân Vinh, mới ở vòng 3 Super League đã nhận một loạt án phạt nhưng đến trận kế tiếp tại cúp quốc gia vẫn đẩy rẫy hình ảnh bạo lực trong thi đấu. Như vậy, nếu như chính các CLB không mạnh tay trong việc hạn chế bạo lực thì trước sau gì cũng lây lan đến khán đài. Đến thời điểm này, giải pháp duy nhất mà BTC đưa ra cũng chỉ mới là xử lý sau vi phạm chứ không có kế hoạch ngăn ngừa bắt đầu từ thái độ thi đấu của các đội bóng.
Liên tiếp 4 mùa bóng gần đây, bạo lực là nỗi nhức nhối của bóng đá Việt Nam. Khi VPF nắm quyền quản lý, bạo lực vẫn không hề thuyên giảm. Điều đó đã cho thấy “căn bệnh” này đã không có thuốc trị và cái mà VPF cần làm ngay chính là làm sao để “bốc thuốc” chứ không phải là xử lý bằng các án phạt dù nặng đến mức nào.
Q.Cường – Đ.Linh