Đua thuyền TPHCM: Xây chắc gốc để vươn cao

Gắn với những thành công của đua thuyền Việt Nam trên đấu trường quốc tế là sự đóng góp không nhỏ của các tay chèo đến từ đơn vị TPHCM. Luôn có mục tiêu cụ thể để phấn đấu, cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực từ ban huấn luyện và chính các vận động viên (VĐV) là bí quyết để bộ môn đua thuyền TPHCM xây dựng những thành tích đỉnh cao.

Hành trình dài nỗ lực

Nhắc đến đua thuyền TPHCM, giới mộ điệu sẽ nghĩ ngay đến các môn Rowing hay Canoeing đã giúp đơn vị làm nên tên tuổi trong những năm gần đây. Hòa chung vào dòng chảy hội nhập của thể thao thế giới, TPHCM đầu tư phát triển trở lại môn Canoeing vào năm 2002 và Rowing vào năm 2010 sau khoảng thời gian dài gián đoạn. Mặc dù đầu tư trang thiết bị tập luyện rất tốn kém, nhưng với những tấm huy chương đã đoạt được tại các đấu trường châu Á, Asiad, SEA Games... đã giúp đua thuyền (nhất là Rowing) được ngành thể thao TPHCM chọn là một trong những bộ môn đầu tư trọng điểm hướng đến thành tích cao tại các đấu trường quốc tế.

cn1e-4971-7228.jpg
Các tay chèo TPHCM thường xuyên luyện tập

TPHCM đã và đang khẳng định được vị thế một trong những địa phương dẫn đầu phong trào đua thuyền trên cả nước với nhiều thành tích đáng nể: HCV Asiad 18, HCĐ Asiad 19, HCV SEA Games 31, HCV giải vô địch châu Á 2022, HCV giải vô địch U19 và U23 châu Á 2023 (Rowing); xếp nhất toàn đoàn Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, xếp nhất toàn đoàn giải vô địch quốc gia 2023 (Rowing và Canoeing)... Đáng chú ý, trong năm 2024, bộ môn đua thuyền TPHCM là một trong những đơn vị có đóng góp số lượng thành viên nhiều nhất cho đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia (30 VĐV, 4 HLV).

Để tạo nên những “điểm sáng” thành tích, đội tuyển đã phải nỗ lực rất nhiều và vượt qua những khó khăn khi chưa có địa điểm tập luyện ổn định tại TPHCM, mà phải di chuyển đến tận hồ Trị An (Đồng Nai) để đóng quân. Ở bộ môn “làm bạn với nắng gió, với mái chèo thô”, đâu phải ai cũng chịu gắn bó.

Nhà vô địch Asiad 18 Hồ Thị Lý từng bộc bạch: “Việc khó khăn nhất ở môn đua thuyền Rowing là phải thường xuyên tập luyện ngoài trời, rồi lại cầm mái chèo tập liên tục nên bàn tay chai sạn hết lúc nào không hay. Mình là con gái mà, nhìn bàn tay thế kia cũng ngại với mọi người lắm. Hơn nữa, để đạt điều kiện thi đấu hạng nhẹ khắt khe, tôi phải ép cân thời gian dài để duy trì trọng lượng cơ thể, việc này khiến bản thân đôi lúc cảm thấy khá mệt mỏi”.

Các tay chèo TPHCM thường xuyên tập luyện ngoài trời. Ảnh: ĐỨC TÂN
Các tay chèo TPHCM thường xuyên tập luyện ngoài trời. Ảnh: ĐỨC TÂN

Để rồi từ đây, các nhà tuyển trạch gặp khó trong quá trình tìm kiếm “ngọc thô”, bổ sung nguồn nhân lực. Hết tìm kiếm trong TPHCM, rồi nghe các địa phương khác báo tin có VĐV tiềm năng là các HLV tìm đến ngay, từ Đắk Lắk, Vũng Tàu, Đồng Nai, Huế, đến cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Anh Hoàng Đức Tân, phụ trách môn đua thuyền TPHCM, chia sẻ: “Đua thuyền TPHCM hiện có 112 HLV, VĐV thuộc các tuyến đội tuyển, trẻ. Quá trình tuyển chọn VĐV là một hành trình rất lâu dài, ban chuyên môn luôn gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn. Hiện nay tại TPHCM, môn đua thuyền chưa có hệ thống đào tạo và thi đấu cấp quận, huyện, do đó HLV phải rong ruổi khắp các địa phương để tìm kiếm nguồn nhân lực”.

Chờ một trung tâm “đóng quân”

TPHCM có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc trên địa bàn, thuận tiện để bộ môn đua thuyền phát triển. Dĩ nhiên, các HLV, VĐV vẫn mong muốn có được một trung tâm tập luyện và thi đấu ngay chính thành phố, mà không phải một nơi khác, tương tự như các đội tuyển Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng... đã làm. Nhưng trên thực tế, các tay chèo TPHCM lại khó có thể tập luyện ngay tại địa phương do số lượng tàu thuyền qua lại thường xuyên, sà lan, bèo dạt, lục bình trôi... có thể gây nguy hiểm trong quá trình thực hiện các bài tập.

Ở những quốc gia phát triển, các phân môn của đua thuyền như Rowing, Canoeing hay Sailing thường được xem như môn thể thao quý tộc. Nếu đầu tư được một trung tâm đua thuyền đa năng, có thể xem như biểu tượng nền kinh tế của quốc gia đó. Lại nói đến TPHCM, một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, có nhiều thuận lợi để phát triển bộ môn, thế nhưng các tay chèo của đơn vị lại phải đi “mướn” cơ sở tập luyện ở địa phương khác. Không có địa điểm thế nên cũng chẳng thể đăng cai tổ chức giải đấu thuộc hệ thống quốc gia.

Phụ trách môn đua thuyền TPHCM Hoàng Đức Tân cho hay, định hướng của bộ môn trong năm mới là tìm được một địa điểm có thể tập luyện tại TPHCM, từ đó đặt nền móng cho việc chuẩn bị đăng cai các giải đấu đua thuyền trong tương lai, đơn cử là Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. Trước mắt, CLB TDTT Thanh Đa (đơn vị quản lý bộ môn đua thuyền TPHCM) đã trình đề án thành lập Trung tâm Huấn luyện đua thuyền TPHCM, với địa điểm bổ sung quy hoạch dự kiến đặt tại huyện Cần Giờ. Tổng diện tích dự án khoảng 25ha, bao gồm các hạng mục: kênh đua thuyền đạt chuẩn Olympic (có chiều dài 2.150m, chiều rộng tối thiểu 108m, độ sâu tối thiểu không nhỏ hơn 3m), khán đài ở địa điểm đích, nhà ở, nhà ăn cho VĐV, phòng thể lực, nhà để thuyền...

Nếu đề án được triển khai đầy đủ cơ sở hạ tầng, tổ chức tập luyện, đạt tiêu chuẩn đăng cai các giải đấu, sẽ là một nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp hoạt động tự chủ, đóng góp nhiều cho ngân sách thành phố khi nhiều đoàn thể thao trong nước và quốc tế đến thi đấu, tập huấn. Đồng thời, trung tâm sẽ phục vụ các loại hình thể thao dưới nước cho người dân đến tập luyện, phát triển các dịch vụ du lịch - thể thao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng của TPHCM.

“Trong hành trình quảng bá, ở năm 2024, bộ môn đua thuyền sẽ lắp đặt một phòng tập Rowing máy miễn phí để người dân, học sinh TPHCM tham gia tập luyện. Xây dựng thành tích cao từ các hoạt động phong trào, chúng tôi quyết tâm đào tạo VĐV có thể giành huy chương ở Asiad 20 tại Nhật Bản vào năm 2026”, ông Hoàng Đức Tân nói thêm.

Tin cùng chuyên mục