Đóng góp ý kiến khi dự Hội thảo chuyên đề “Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam” tổ chức ngày 27-11 tại Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) – ông Bạch Cường Khang bày tỏ để golf tới gần hơn với mọi người cũng như phát triển tốt môn thể thao trên thì giải pháp có thể là hướng tới thực hiện phát triển chương trình giáo dục golf như trong môn thể chất tại các trường học, đặc biệt là trường học tiểu học cấp 1, trung học cơ sở cấp 2 ở Việt Nam. “Với trẻ em, việc tham gia sớm golf sẽ giúp các em được hình thành tư duy, thói quen về sự tập trung, kiên trì từ đó áp dụng tốt tính cách ở nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống”, Phó Tổng thư ký VGA Bạch Cường Khang đưa quan điểm.
Thực tế, một số trường học tại một số thành phố lớn đã và đang thực hiện ý tưởng đó. Ngày 18-11 mới đây Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) cùng Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (Quận Đống Đa, Hà Nội) đã hợp tác cùng Trung tâm quảng bá và phát triển golf Việt Nam (VNCentre), Cơ quan quản lý và phát triển golf thế giới (The R&A) chính thức đưa golf vào chương trình giảng dạy sau giờ học chính khóa. Ở chương trình này, học sinh của 22 lớp học (từ lớp 1 tới lớp 5) tại trường học trên học golf theo thời lượng 1 buổi/tuần, kéo dài trong 17 tuần liên tiếp tới khi kết thúc năm học. Chương trình bắt đầu vào tháng 1-2025.
Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội ghi nhận đây là trường học công lập đầu tiên tại thủ đô đưa môn golf vào chương trình làm quen với học sinh. Và, chương trình không sử dụng ngân sách công, hơn 850 học sinh của trường được tập golf miễn phí.
Trong khi đó, ghi nhận thực tế thì trường tiểu học – trung học cơ sở pascal (Hà Nội) có chương trình làm quen, trải nghiệm golf cho học sinh toàn trường từ tháng 8-2024. Đáng chú ý, golf được trường tiểu học công nghệ giáo dục (CGD) tại Hà Nội đưa vào chương trình học chính khóa như một môn thể chất. Trường học này là đơn vị đầu tiên chấp nhận golf là môn chính khóa (hàng tuần trường học có 2 tiết thể chất, trong đó 1 tiết thể chất dành cho môn golf). Trường học có hơn 500 học sinh (23 lớp học). Qua tìm hiểu, chương trình đưa golf vào học đường nằm thuộc chương trình phát triển golf trong học sinh của Dự án phát triển golf trẻ từ The R&A và VGA.
Từ năm 2021, môn golf được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức về thể chất với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Giáo dục thể chất và Thể thao (Đại học Quốc gia Hà Nội) – ông Nguyễn Việt Hòa từng bày tỏ môn golf là môn tự chọn của sinh viên trong chương trình thể chất và khi được đưa vào đã nhận các hiệu ứng tích cực, đặc biệt sinh viên thêm hiểu biết về thể thao golf.
Mục tiêu trên hết của thể thao là tăng cường sức khỏe, gia tăng vận động. Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 đã được Chính phủ ban hành ngày 15-10-2024 có nhiều nội dung dành cho thể thao cho mọi người. Trong đó, 1 trong những nhiệm vụ đặt ra về thể thao cho mọi người: “Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện cả về tri thức, thể chất, tâm lý và kỹ năng sống. Tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; có kế hoạch từng bước triển khai đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn.
Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động giáo dục thể chất. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi học của học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tập luyện bơi, võ cổ truyền và một số môn thể thao phù hợp khác. Phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trường học; tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao trong nhà trường. Đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong và liên trường, ở các cấp học và trên từng địa bàn”.
Để trở thành golf thủ hàng đầu Việt Nam như lúc này, Nguyễn Anh Minh được làm quen với golf từ năm lên 7 tuổi (lớp 2). Khi vào 9 tuổi (lớp 4), Anh Minh thật sự thấy yêu thích golf để rồi theo tập luyện trở thành 1 VĐV thi đấu. Do đó, người làm golf hiểu rằng nếu golf được phổ cập nhiều trong các trường cấp tiểu học thì cơ hội tìm được VĐV tài năng tương lai rất khả quan.