Sau khi LĐBĐ TPHCM (HFF) công bố kế hoạch năm 2013, nhiều người đã tỏ ra thất vọng dù không bất ngờ.
Không bất ngờ ở chỗ, khi ra mắt nhiệm kỳ 6 hồi tháng 10-2012, người ta đã biết HFF chỉ chuyên mảng phong trào và futsal khi tân chủ tịch là người của futsal và trong ban chấp hành thậm chí còn có cả đại diện của giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, vẫn phải thất vọng với cách định hướng của HFF bởi nó không khác gì kế hoạch của bộ môn bóng đá trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước.
Thất vọng đầu tiên là HFF tập trung phát triển phong trào ở nơi mà có thể nói có phong trào bóng đá mạnh nhất nước dựa trên số lượng sân bóng tư nhân cũng như số người chơi bóng đá. Thất vọng kế tiếp là tập trung cho futsal, hiện vẫn còn là sân chơi phong trào. Đội tuyển quốc gia futsal Việt Nam trên thực tế chính là đội Thái Sơn Nam quận 8 thuộc sở hữu của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HFF. Tức futsal TPHCM đã lên đến “đỉnh” rồi.
Như đã từng đề cập, phát triển phong trào và futsal lẽ dĩ nhiên cũng là nhiệm vụ của một liên đoàn bóng đá nhưng không thể xem đó là định hướng trọng tâm. Nói cách khác, chỉ với các mục tiêu như vậy, liệu có nhất thiết tồn tại HFF hay không khi cả 2 mảng ấy vốn đã phát triển từ trước đến nay mà chưa cần định hướng.
Chính vì thế, cái gây cho người ta thất vọng nhất chính là việc HFF bỏ qua phần bóng đá đỉnh cao ngoài việc hứa hẹn sẽ có đội dự V-League ở mùa giải 2016. Có lẽ HFF đã đánh đồng 2 từ “bóng đá chuyên nghiệp” và V-League thì phải. Bóng đá chuyên nghiệp chỉ là một cách nói về bóng đá đỉnh cao, tức phần “đỉnh” của một nền bóng đá. “Chuyên nghiệp” không nhất thiết phải có đội đá V-League mà là hệ thống các CLB, cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp có thể là hạng nhì, hạng nhất. Lẽ ra, HFF không nhất thiết phải đặt chỉ tiêu về đội bóng đá V-League theo kiểu “nuôi gà chọi” mà chỉ cần phát triển thêm nhiều đội bóng đá hạng nhì, hạng nhất. Đến khi đó, đội nào có tiềm lực thì tự động phấn đấu lên V-League, khi ấy HFF không cần phải can thiệp vì ở đẳng cấp V-League, quyền quyết định thuộc về CLB.
Không thể có bóng đá phong trào mạnh, phát triển nếu không có bóng đá đỉnh cao. Càng nhiều người thích xem bóng đá, đam mê bóng đá thì càng có nhiều người tập bóng đá, cho con cái đi đá bóng. Hơn nữa, không có một chiến lược phát triển đỉnh cao thì lấy đâu ra động lực để phong trào phát triển, làm sao phục hưng những “thương hiệu” như Trường Năng khiếu nghiệp vụ hay những Cảng Sài Gòn thứ 2.
Người ta sẽ không thất vọng nếu TPHCM không còn đội đá V-League 1-2 năm nữa nhưng chắc chắn sẽ vô cùng thất vọng nếu HFF không có chiến lược giúp sân Thống Nhất sáng đèn vào mỗi cuối tuần, không có phương án để đón nhận những chất xám, nhân tài của các thế hệ cầu thủ nổi tiếng đang phải phiêu bạt khắp nơi chờ ngày quay về phục hưng làng cầu Sài Gòn danh tiếng.
VIỆT QUANG