Liên quan đến vụ việc bỏ bóng đạp vào chân gây chấn thương cho cầu thủ Anh Hùng (An Giang) trong trận SLNA - An Giang ở lượt 7 V-League vừa qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định mức phạt nghiêm khắc cho tiền vệ Đình Đồng (SLNA).
Qua đó, cầu thủ này bị phạt 20 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá đến hết năm 2014. Ngoài ra, Đình Đồng còn phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí cho việc chữa trị chấn thương của cầu thủ Nguyễn Anh Hùng.
Theo chẩn đoán của bác sĩ thì phải mất khoảng 8 tháng, hậu vệ của đội An Giang mới có thể tập luyện bình thường với bóng.
QUỐC CƯỜNG
Phạt “đền”
Án phạt của VFF đối với Đình Đồng đúng là “án điểm” bởi nó khá nặng, có tính chất răn đe rất mạnh và gần như kiểu án phạt này chưa có tiền lệ. Hoan nghênh quyết định mạnh mẽ của VFF nhưng không phải là không có những dấu hỏi..
Đầu tiên, có thể liên tưởng án phạt của VFF giống như là phạt “đền”. Vì Danny (ĐTLA) chỉ nghỉ vài trận nên Đinh Văn Ta cũng chỉ bị phạt 5 trận. Trong khi đó, vì Anh Hùng (HVAG) phải nghỉ đến suốt năm nên Đình Đồng cũng chịu một mức án tương tự, bao gồm cả chi phí điều trị. Không khó để nhận ra kiểu án phạt này được thực hiện như tại tòa án, theo nguyên tắc bên thực hiện hành vi phải đền bù cho tất cả những gì mà bên bị hại phải gánh chịu. Tức là tính công bằng được thực thi.
Thế nhưng, đấy cũng là điểm mấu chốt để SLNA phản ứng dữ dội với án phạt, cũng là điểm bất hợp lý của “án điểm” này.
Thứ nhất, cùng một hành vi, như rõ ràng Đình Đồng bị phạt quá nặng hơn Đinh Văn Ta. Về mặt hình ảnh, thì pha phạm lỗi của Đinh Văn Ta còn nguy hiểm hơn bởi hành vi của Đình Đồng nằm trong khuôn khổ của một pha tranh bóng còn trường hợp Đinh Văn Ta thì bóng đá ra khỏi vòng tranh chấp.
Thứ hai, phạm lỗi trên sân bóng khác hẳn phạm tội ngoài xã hội bởi có những pha bóng, cả 2 bên đều có cùng hành vi như nhau nhưng “người thắng” thì thoát khỏi chấn thương, kẻ thua”lãnh đủ”. Ví dụ như pha bóng của Đinh Văn Ta với Danny thì cả 2 đều lao vào nhau cùng một kiểu nhưng Danny kịp thu chân lại nên Đinh Văn Ta không bị thương và ngược lại.
Nói như vậy để thấy, đánh giá về một trường hợp phạm lỗi trên sân cỏ, rất cần có cái nhìn sát thực và có tính chuyên môn. Đây là lý do mà FIFA phạt rất nặng các tình huống phạm lỗi từ phía sau (tức là không có tranh chấp), nhưng vẫn phải xem băng ghi hình cụ thể các tình huống 50-50 để đánh giá đúng tình hình bởi chấn thương xảy ra trong trường hợp này thường có phần lỗi của chính người bị hại.
Hoan nghênh tính chất “án điểm” của VFF nhưng nói gì thì nói, họ là một tổ chức chuyên môn nên khi ra án, cũng cần phải thuyết phục được người trong giới. Những phản ứng của SLNA không phải là thiếu cơ sở bởi pha bóng đó không chứng minh được Đình Đồng đã vào bóng có tính chất triệt hạ (khác trường hợp của Đinh Văn Ta), và bản thân Anh Hùng cũng có tác động mạnh khiến chấn thương trở nên trầm trọng.
Hơn nữa, đây là một tình huống vẫn thường xảy ra trong bóng đá chứ không phải là một kiểu “bỏ bóng đá người” mang tính chất thù địch, ý đồ xấu với đối phương. Xét trên nhiều phương diện, bao gồm cả hoàn cảnh của trận đấu, chúng tôi vẫn cho rằng trường hợp này nhẹ hơn cú song phi của Đinh Văn Ta.
Nói cách khác, làm “án” trong bóng đá không thể áp dụng kiểu phạt “đền” như án ngoài xã hội bởi nó mang tính đặc thù. Hơn nữa, một “án điểm” như thế này có thể làm giảm chấn thương nhưng chưa bảo đảm việc sẽ giảm bạo lực muôn hình vạn trạng trên sân cỏ Việt Nam.
Muốn giảm bạo lực, tránh tình trạng chấn thương đáng tiếc, phải bắt đầu từ ý thức và văn hóa chơi bóng của cầu thủ. Và muốn được điều đó, lại phải nói về khâu đào tạo và năng lực quản lý của chính các CLB.
Hồ Việt