Điều giản dị

Chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe vừa có chuyến thị sát tìm hiểu bóng đá Việt Nam trước khi đặt bút ký hợp đồng với vai trò Phó Chủ tịch VPF. Theo nhiều nguồn tin, đây là người có rất nhiều kinh nghiệm ở giải vô địch bóng đá Nhật Bản J-League, nhất là công tác tổ chức, xây dựng thương hiệu và thu hút khán giả đến sân. Chính vì vậy, nhiều người hy vọng sẽ có một V-League khởi sắc hơn trong năm 2013 khi có sự “ra tay” của chuyên gia này.

Cũng khá thận trọng khi xem trận đấu giao hữu của các cầu thủ lứa U.16, ông Tanabe nhận xét ông rất ấn tượng với các cầu thủ trẻ. Với tiềm năng này, ông hy vọng tương lai đội tuyển Việt Nam sẽ đạt thành tích cao hơn. Tuy nhiên, điều mà VPF cũng như dư luận trông đợi là vị chuyên gia này sẽ làm được gì để giúp một tay cho những tiềm năng ấy phát triển để gặt hái kết quả, mà cụ thể nhất là “xoay chuyển” được tư duy làm bóng đá ăn xổi ở thì như hiện nay. Tanabe cho rằng trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam, để phát triển thì cần chung sức chung tay của toàn xã hội; những người làm bóng đá phải tâm huyết, biết hy sinh lợi ích cá nhân.

Nhận xét của chuyên gia Tanabe là không sai, bởi nền bóng đá Nhật Bản từ con số 0 trước đây đã trở thành đội bóng đứng đầu châu lục và thường xuyên có mặt ở World Cup cũng nhờ sự tâm huyết của liên đoàn cũng như ban tổ chức J-League. Ở Nhật Bản, từ khi làm bóng đá chuyên nghiệp đến nay, không có chuyện đổi tên đội bóng theo… vui buồn của các ông bầu; cũng hiếm khi một câu lạc bộ được điều hành bởi một ông bầu để muốn tự tung tự tác ra sao cũng được. Các câu lạc bộ ít nhất có khoảng 4 nhà tài trợ, nếu đơn vị này rút do khó khăn thì cũng còn đơn vị khác nên không có chuyện giải thể, đổi tên hay mua bán suất…

Với liên đoàn, khi bắt tay vào việc là phải có một chiến lược cụ thể, khoa học và cứ căn cứ vậy mà làm. Thất bại ở một trận đấu, một giải đấu không là vấn đề gì khiến các quan chức bóng đá phải chột dạ và rối lên. Nhưng đó nhất thiết phải là bước đi có lộ trình cụ thể, vì sự phát triển chung chứ không vì thành tích của một cá nhân nào. Vì vậy, đòi hỏi hết sức giản dị của vị chuyên gia Nhật Bản rằng “những người làm bóng đá phải tâm huyết, biết hy sinh lợi ích cá nhân” bỗng nhiên trở thành một yêu cầu quá khó ở nơi có giải V-League này! Có lẽ do chưa có nhiều thông tin về bóng đá Việt Nam nên ông Tanabe chưa hình dung ra những khó khăn phải vượt qua. Chỉ mỗi chuyện chọn huấn luyện viên cho đội tuyển mà từ cơ quan quản lý đến liên đoàn, từng thành viên liên đoàn không ai chịu ai.

Trước đây, liên đoàn cho rằng phải thực hiện chỉ đạo trong việc chọn huấn luyện viên nội. Khi phương án “nội” thất bại, ai cũng thấy cần phải có một huấn luyện viên tốt hơn cho đội tuyển thì mới vỡ lẽ quan điểm ấy chỉ do một vị lãnh đạo có chân trong liên đoàn quyết định. Giờ đây, vị này vẫn tiếp tục tuyên bố dù khá yếu ớt rằng vẫn giữ quan điểm huấn luyện viên nội trong khi đội tuyển đã tan tác và dư luận thắc mắc không biết vị quan chức ấy am tường bóng đá đến mức nào để có thể một mình quyết mọi thứ.

Mong rằng chuyên gia Tanabe sẽ có cách giúp V-League hồi sinh, cũng là gián tiếp giúp bóng đá Việt Nam lấy lại phong độ. Nhưng những viên sỏi nhỏ có thể trở thành những hòn đá tảng trên bước chân của vị chuyên gia này?

Phương Nam

Tin cùng chuyên mục